Kết quả hoạt động năm 2019 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh.

Năm 2019, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã bám sát Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Chương trình công tác năm của Ban để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo và các thành viên của Ban chấp hành tốt Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh; tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến những nội dung, vấn đề thuộc thẩm quyền giữa hai kỳ họp và các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh theo luật định; thường xuyên liên hệ với cử tri, nắm bắt những ý kiến, kiến nghị của cử tri; phối hợp chặt chẽ với các Ban của HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát và các hoạt động khác; tích cực tham gia chuẩn bị các nội dung kỳ họp thứ 8, thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVIII.

Ban Dân tộc phối hợp cùng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại huyện Chiêm Hóa

Trong năm, Ban thực hiện thẩm tra 02 báo cáo của UBND tỉnh, các dự thảo nghị quyết, xây dựng các báo cáo thẩm tra của Ban trình kỳ họp thứ 8, thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII về: Công tác dân tộc và tình hình thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; về phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020; phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; về phân bổ 10% dự phòng kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020. Tổ chức 03 cuộc giám sát về thực hiện các chế độ, chính sách của nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số; 01 cuộc giám sát chuyên đề “về kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững từ năm 2016 đến năm 2018”; chủ trì, tham mưu tổ chức 02 cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII. Qua giám sát, thẩm tra, Ban đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách của nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, như: Kinh tế ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm phát triển, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo còn cao so với tỷ lệ chung toàn tỉnh; hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đi lại, phát triển giao lưu hàng hóa của nhân dân; công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc của một số địa phương chưa thường xuyên; một số chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện còn chậm, có lúc, có nơi thiếu đồng bộ, chưa sát với nhu cầu thực tế cơ sở, chưa phát huy được hết hiệu quả mong muốn… đồng thời, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trong Kết luận thanh tra số 194/KL-TTr, ngày 30/7/2019 của thanh tra Ủy ban dân tộc “về việc thực hiện Chương trình 135 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại tỉnh Tuyên Quang”; chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có biện pháp chủ động, tích cực khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số…


Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Dân tộc HĐND tinh phát biểu tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh

Hoạt động giám sát của Ban đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia; công tác chuẩn bị, tổ chức chu đáo, khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban với thành viên của Ban, Văn phòng HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND huyện, thành phố. Nội dung giám sát được lựa chọn kỹ lưỡng; hoạt động giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế việc trùng lắp về thời gian và địa điểm giám sát, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan được giám sát; phương thức giám sát được đổi mới, kết hợp giữa việc giám sát qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát với  giám sát thực tế tại cơ sở, giữa giám sát thường xuyên với giám sát chuyên đề và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; chất lượng, hiệu quả của các cuộc giám sát ngày càng được nâng cao. Các thành viên trong Ban đã phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động chung của Ban.

Tuy nhiên, trong năm biến động về công tác tổ chức cán bộ (Trưởng ban và 01 Phó trưởng Ban nghỉ hưu) đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động chung của Ban; đồng thời còn một số hạn chế như: Một số thành viên do hoạt động kiêm nhiệm, nên việc bố trí thời gian cho hoạt động của Ban chưa được thường xuyên, liên tục; việc nắm bắt tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có lúc, có việc chưa sâu sát.

Năm 2020, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; từng bước nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục