Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy: Đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 31, ngày 18/3/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn, phiên chất vấn được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp truyền hình trực tuyến từ điểm cầu Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 62 điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố. Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn.
Video không hợp lệ


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu của tỉnh. Tham dự tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Ma Thị Thuý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số cơ quan, đơn vị của tỉnh có liên quan đến nội dung chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, căn cứ các quy định về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội trên cơ sở tổng hợp đề xuất chất vấn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng, tập trung vào vấn đề chính, trọng tâm.

Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về các vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.


Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đã chất vấn 02 nội dung, thứ nhất: Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cập nhật tiến bộ cho phép thành lập các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và tình hình hoạt động của các quỹ đã được cấp phép. Quan điểm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này như thế nào? Trong bối cảnh trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn hạn chế, mức độ rủi ro thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam còn lớn thì liệu có nguy cơ vỡ quỹ gây mất mát toàn bộ tiền của người đầu tư hay không? Thứ 2 là Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã có nhiều quy định mới về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết công tác phối hợp với Bộ Y tế trong công tác quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện như thế nào?


Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia, với 10 quỹ đang hoạt động, Bộ Tài chính đang thẩm định một số hồ sơ xin cấp phép hoạt động Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Bộ trưởng đồng tình quan điểm của đại biểu Ma Thị Thúy, cần xác định được mức độ rủi ro nếu doanh nghiệp hoặc quỹ bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, cần quản lý từ sớm, từ xa, đặc biệt là quản lý rủi ro trong dài hạn. Bởi đối với thị trường này, thời gian tối đa 99 năm nên sẽ có rủi do khi doanh nghiệp và quỹ không bảo toàn được vì vậy, Bộ Tài chính rất thận trọng vấn đề này. Tham gia Quỹ hưu trí này chủ yếu là cán bộ, người lao động trong hệ thống tham gia. Còn về phía cán bộ bên ngoài và Nhân dân chưa nhiều vì vậy với loại hình Quỹ này một mặt khuyến khích, một mặt giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Quỹ hưu trí.

Đối với vấn đề liên quan đến công tác quản lý giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Tài chính sẽ tham gia phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo quy định của Luật giá, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trong quá trình quản lý giá dịch vụ  khám, chữa bệnh liên quan đến giá tối đa (trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế) còn giá tối thiểu do Bộ Y tế quyết định. 

 Tiếp tục phiên chất vấn, buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Ngoại giao./.

Tuấn Anh
Ảnh: Thu Hương
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục