Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, thông qua việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia đình ông Tráng A An, thôn Nà Coóc, xã Bình An (Lâm Bình) chăn trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo.

Thực hiện hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ. Theo thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn đã bố trí cho thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là 430.794 triệu đồng, thực hiện các chương trình như: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. 

Ông Đặng Văn Cường, thôn Nà Luông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) là hộ mới thoát nghèo năm 2018 của xã. Nguyên nhân nghèo của gia đình ông Cường được xác định là do thiếu vốn sản xuất và do thường xuyên ốm đau bệnh tật. Cuối năm 2017, gia đình ông Cường được UBND xã hỗ trợ 1 máy trộn thức ăn gia súc đa năng để phục vụ phát triển chăn nuôi. Chiếc máy trộn thức ăn gia súc đã giúp ông không mất nhiều sức lực,  phát triển chăn nuôi, từng bước có thu nhập và thoát khỏi diện hộ nghèo.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, tổng các nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện là trên 68 tỷ đồng. Huyện Chiêm Hóa đã thực hiện các thủ tục lựa chọn, ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, từ nguồn kinh phí, huyện đã thực hiện hỗ trợ sản xuất cho 3.804 lượt hộ, trong đó hỗ trợ giống cây trồng; xây dựng 3 mô hình chăn nuôi lợn thịt, mua sắm trang thiết bị máy móc, nông cụ sản xuất; hỗ trợ giống vật nuôi… Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, huyện giảm được 1.311 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 21,12%.

Ông Hoàng Văn Nha, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Bình khẳng định, những chính sách đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện kịp thời, đồng bộ. Đến nay, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong huyện có đường giao thông liên thôn, liên xã và tới trung tâm huyện. Các xã có trạm y tế, trường học, điểm bưu điện văn hóa xã, được phủ sóng truyền hình, phát thanh… Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất như: Dự án phát triển cây trồng vật nuôi đặc sản, dự án phát triển chăn nuôi dê, nuôi trâu, nuôi cá lồng… Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao được ý thức tự chủ vươn lên, tập quán sản xuất cũ dần được loại bỏ, người dân tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục