Môi trường kinh doanh Tuyên Quang qua kết quả điều tra PCI 2019

Theo kết quả điều tra PCI năm 2019 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2018 đứng thứ 32 (với 65,13 điểm) trên bảng xếp hạng và nằm trong nhóm các tỉnh khá.

Trong 10 chỉ số thành phần có 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số, những lĩnh vực có cải thiện mạnh mẽ nhất được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là: Chỉ số tiếp cận đất đai tăng từ 6,28 điểm lên 7,08 điểm, tăng 18 bậc, xếp hạng thứ  24/63 tỉnh thành; chi phí không chính thức tăng từ 5,39 điểm lên 6,29, tăng 20 bậc; chi phí thời gian tăng từ 6,24 điểm lên 6,57 điểm, tăng 9 bậc. Một trong những chỉ số được liên tục duy trì và là điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư mà Tuyên Quang luôn giữ vững đó là môi trường pháp lý an toàn và đảm bảo an ninh trật tự đây là chỉ số có điểm số cao 7,65/7,91 (xếp hạng thứ 5). Ngoài ra một số các chỉ tiêu khác cũng được ghi nhận có sự chuyển biến đáng kể như: Tính năng động tăng từ 5,54 điểm lên 6,17 điểm; chỉ số Gia nhập thị trường tăng từ 7,99 điểm lên 8 điểm; tính minh bạch tăng từ 6,75 điểm lên 6,88 điểm; đào tạo lao động tăng từ 6,34 điểm lên 6,83 điểm. Duy chỉ còn 2 chỉ số thành phần là cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp giảm điểm so với năm 2018. Môi trường pháp lý an toàn và đảm bảo an ninh trật tự, chất lượng thủ tục đăng ký doanh nghiệp duy trì ở mức cao, tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, chi phí không chính thức được cải thiện, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn, đào tạo lao động có cải thiện và doanh nghiệp đánh giá cao sự năng động, tiên phong của chính quyền. Đó là kết quả của sự nỗ lực, tập trung từ công tác chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của các cấp chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng chung sức của doanh nghiệp.


Ảnh minh họa

Kết quả đạt được năm 2019 tiếp tục khẳng định những cố gắng lớn của Tuyên Quang trong nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhiều năm qua, cùng với việc tăng thứ bậc xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nhiều khởi sắc trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Tuyên Quang đã thu hút được một số doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào tỉnh (Công ty cổ phần Woodslands Tuyên Quang, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn DABACO, Tập đoàn Mường Thanh,...).  Đến ngày 14/4/2020, có tổng số 1.754 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 17.808,5 tỷ đồng; 298 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn trên 42.700 tỷ đồng, trong đó có 12 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 14 dự án với tổng số vốn đăng ký 199,2 triệu USD (tương đương 4.268 tỷ đồng).

Phấn đấu trong năm tới nằm trong nhóm 30 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất của cả nước, tỉnh xác định tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi nhất, tạo lòng tin đối với các doanh nghiệp, tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai, BHXH, thuế, giao thông, xây dựng, môi trường…Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiến hành thường xuyên và thực chất các cuộc đối thoại doanh nghiệp thông qua các hình thức “Cà phê doanh nhân” “Gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp”… nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, cải thiện năng lực của người lao động phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Việc cải thiện các chỉ số không phải chỉ vì thứ hạng mà là hướng tới thực hiện tốt hơn việc xây dựng chính quyền thực sự là “của dân, do dân và vì dân” và vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục