Quốc hội triển khai Chương trình giám sát năm 2024

Sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Video không hợp lệ


Các vị đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh.

Theo Chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 04 chuyên đề. Cụ thể, Quốc hội giám sát 02 chuyên đề về: “Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và về một số dự án quan trọng quốc gia” và “Về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 02 chuyên đề: “Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và “Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.


Quang cảnh Hội nghị điểm cầu Nhà Quốc hội.

Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá khái quát tình hình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; triển khai các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; thảo luận, tham gia ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Các giải pháp triển khai có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, trong đó tập trung vào việc triển khai các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thống nhất, hiệu quả, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức và các địa phương.


Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Ma Thị Thuý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh cho rằng với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới từ việc xây dựng thể chế cho đến việc triển khai thực hiện từng nội dung giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, định hướng trong quá trình triển khai giám sát. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Hoạt động “giám sát lại” tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực liên quan đến 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên…đồng chí Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát năm 2024, trong đó cân đối thời gian hợp lý giữa các đợt giám sát và các địa bàn giám sát, tránh chồng chéo để các thành viên Đoàn giám sát thuận lợi tham gia; công tác giám sát, xem xét các nội dung chất vấn và kết quả trả lời chất vấn của các cơ quan thuộc Chính phủ tại các kỳ họp cần dành thời gian hợp lý để các đại biểu trao đổi làm rõ. Trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, chú trọng quan tâm giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, các vấn đề bức xúc. tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình chuẩn hóa hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật để đảm bảo các hoạt động giám sát khoa học, chất lượng, hiệu quả. Thường xuyên rà soát, theo dõi kết quả thực hiện các kết luận giám sát, chất vấn, giải trình và đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết, có chế tài cụ thể trong việc chậm thực hiện kiến nghị giám sát. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt động giám sát...


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận Hội nghị.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 tiếp tục được tăng cường, các báo cáo thẩm tra ngày càng có tính phản biện cao; giám sát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại, tố cáo là việc thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội và lần đầu tiên được thảo luận tại kỳ họp; giám sát chuyên đề là điểm sáng trong hoạt động giám sát của Quốc hội...Hiệu quả hoạt động giám sát là tiền đề quan trọng cung cấp thông tin hữu ích để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, vấn đề cần rút kinh nghiệm trong các hoạt động giám sát của Quốc hội.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát năm 2024, đồng chí đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Tập trung giám sát cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; Tiếp tục xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát tạo chuyển biến về chất trong giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri, chú trọng giám sát các vụ việc cụ thể. Tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; từ thực tiễn giám sát, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách và nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Đồng chí cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát./.

Tuấn Anh
Ảnh Ngọc Hưng
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục