Đồng chí Ma Thị Thúy Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh thảo luận tại hội trường vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 23/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.


Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội trường.

Tham gia thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh thống nhất với nhiều nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đồng thời tham gia một số nội dung để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật, cụ thể như:

Về trợ cấp hưu trí xã hội với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hướng đến mở rộng BHXH toàn dân: Đồng tình việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, việc mở rộng này theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28/NQ/TW ngày 23/5/2028 của Hội nghị lần thứ bẩy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh boăn khoăn việc đưa đối tượng Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo cách trình bày của Ban soạn thảo, với ba lý do cụ thể: Thứ nhất, về Trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội: đại biểu cho rằng, Luật Người cao tuổi và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội vẫn đang được thực hiện cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội. Nếu không bổ sung nhóm đối tượng này vào luật bảo hiểm xã hội thì Người cao tuổi vẫn hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định. Thứ hai, về tên gọi “trợ cấp hưu trí xã hội”: Đối tượng này thực hiện theo điểm a,b,c khoản 5 Điều 5 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng…. đại biểu cho rằng, Chính sách về Bảo hiểm xã hội là thực hiện theo nguyên tắc “đóng hưởng”, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này là hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả, vậy liệu quy định vào dự thảo Luật có phù hợp hay không? Mặc khác, về tên gọi “trợ cấp hưu trí xã hội” cho nhóm đối tượng không phải là hưu trí từ “công chức, viên chức, người lao động” và chưa từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội, vậy liệu có phù hợp khi được quy định trong trường hợp này hay không?. Thứ ba, về độ tuổi trợ cấp xã hội: Đại biểu băn khoăn, theo quy định hiện nay “Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hằng tháng”. Dự thảo luật lại đang qui định Trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Như vậy sẽ bỏ Điều 17 trong luật Người cao tuổi 2009 hay vẫn còn giữ nguyên Điều 17. Nếu bỏ thì chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng thì sẽ giải quyết như thế nào?... Từ những boăn khoăn trên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần có báo cáo làm rõ hơn quy định này về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác cho phù hợp chung với các nguyên tắc đã nêu trong dự thảo Luật.


Quang cảnh phiên thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Về bổ sung qui định quản lí thu, đóng bảo hiển xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm xử lí tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội: Đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy cho rằng, đã là tự nguyện thì việc đóng bảo hiểm xã hội hay không tùy thuộc vào hiểu biết, nhận thức pháp luật và nguyện vọng của người tham gia, không có cơ sở để nói rằng họ trốn đóng bảo hiểm xã hội  tự nguyện, cho nên không thể qui định quản lí thu, đóng bảo hiểm xã hội  tự nguyện nhằm xử lí tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tình trạng trốn đóng không phải là ít có. Các cơ quan hữu trách đã nhiều lần thảo luận, trao đổi, đưa ra các biện pháp quản lí nhưng hiệu quả vẫn thấp, tình trạng trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài (chủ yếu trong khu vực sản xuất, kinh doanh), không có phương thức giải quyết cơ bản, dứt điểm…Ở đây tại sao không coi các khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như khoản thu thuế và qui định chế độ quản lí thu bảo hiểm xã hội bắt buộc như quản lí thu thuế. Nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan Thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội bắt buộc được xử lý hình sự theo pháp luật quản lý thuế cho nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng, nợ đọng kéo dài. Nếu chúng ta áp dụng kinh nghiệm quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nước đó chắc chắn hiệu quả quản lý sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi luật không cần thiết, giảm nhẹ về quy định về thanh tra, kiểm tra, tố tụng, khiếu kiện, giải quyết, xử lí vi phạm và giảm nhẹ cả bộ phận quản lí thu….

Về Chi phí quản lí bảo hiểm xã hội: Theo qui định của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chính phủ, là cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lí thu-chi các quỹ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm y tế dưới sự chỉ đạo, điều hành của các Bộ chức năng: Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Nội vụ, một số Bộ, ngành liên quan và Hội đồng quản lí do Bộ trưởng Tài chính làm Chủ tịch. Nguồn kinh phí hoạt động của bảo hiểm xã hội Việt Nam được luật qui định có 2 nguồn. Mức chi phí quản lí bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội. Nguồn kinh phí quản lí của bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp được trích theo tỉ lệ phần trăm tổng số thu hằng năm của các quỹ này. Theo quy định của luật Bảo hiểm y tế, mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 3,5% tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ quỹ bảo hiểm y tế; trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%. Trong bộ máy cơ quan bảo hiểm xã hội từ trung ương tới địa phương có cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong biên chế và hợp đồng ngoài biên chế, làm nhiệm vụ thu-chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, trong tổ chức, phân công lao động chỉ có một bộ phận nhỏ có tính chuyên trách, còn phần lớn không thể tách ra cụ thể, ai làm bảo hiểm xã hội, ai làm bảo hiểm y tế, ai làm bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan quản lí, giao biên chế là Bộ Nội vụ cũng chỉ có thể giao tổng biên chế chung chứ không thể giao biên chế theo nguồn kinh phí được trích. Trong Tờ trình và dự thảo luật nêu chi phí quản lí bảo hiểm xã hội chưa cụ thể, đầy đủ, bao quát. …Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn kinh phí quản lí bảo hiểm xã hội bao nhiêu là đủ dựa trên cơ sở nào từ 2 nguồn kinh phí này./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục