Dấu ấn lịch sử Tháng 5 năm 1945 trên mảnh đất Tuyên Quang

Ngày 19/5 là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà muôn người dân Việt Nam thành kính, tự hào gọi là Bác Hồ. Đối với mỗi người dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, ngày sinh nhật Bác đã trở thành dịp kỷ niệm thiêng liêng, trọng đại, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Năm nay Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), cũng là dịp tròn 75 năm lần đầu tiên Bác về Tuyên Quang, lấy Tuyên Quang làm trung tâm căn cứ địa lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước.

Sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941 Bác Hồ kính yêu trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người quyết định chọn Cao Bằng làm điểm tựa đầu tiên để xây dựng thành căn cứ địa chỉ đạo cách mạng cả nước, đồng thời Người cùng Trung ương Đảng chủ trương từng bước mở rộng căn cứ địa, đánh thông con đường liên lạc với Trung ương, với miền xuôi qua hướng Thái Nguyên, Tuyên Quang. Thực hiện chủ trương đó, con đường "Nam Tiến" hình thành.


Bác Hồ thăm đình Tân Trào (tháng 3-1961).  Ảnh : Tư liệu

Tháng 5/1945, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình và yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang. Quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm cách mạng Việt Nam đang bước vào giai đoạn tiền khởi nghĩa, thời cơ giành chính quyền trong cả nước bắt đầu xuất hiện, đòi hỏi phải có một đại bản doanh mới cho Bác và Trung ương. Đại bản doanh đó phải đáp áp ứng yêu cầu của Bác là “có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt để thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi”. Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang hoàn toàn hội tụ đủ các yếu tố đó. Bởi lẽ Tuyên Quang là nơi có vị trí chiến lược, địa thế hiểm yếu có thể cơ động linh hoạt sang các vùng khác; nơi có cơ sở chính trị, tổ chức Đảng vững chắc, nhân dân có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã được giải phóng và liên kết chặt chẽ với vùng giải phóng ở các tỉnh lân cận, tạo thành vùng giải phóng rộng lớn. Hơn nữa, ở đây còn có khả năng tự túc, tự cấp về hậu cần dồi dào, đáp ứng nhu cầu hậu cần tại chỗ cho lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng.

Xuất phát từ Pác Bó ngày 04/5/1945, sau cuộc hành trình dài 16 ngày qua bản Nưa, Lam Sơn, Khuổi Lầy, Hoàng Phài, Khuổi Mản, chợ Rã, Bản Chán...thuộc tỉnh Cao Bằng; Bản Cải, Rủm Tó, Nghĩa Tá, Chợ Đồn...tỉnh Bắc Kạn, trưa ngày 20/5/1945 Bác Hồ về  tới thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tiếp đó, Người đi qua bản Pình, bản Pài, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn và nghỉ lại làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn. Sáng ngày 21/5/1945, Người từ làng Chạp đi qua làng Nhà, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, làng Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương về Hồng Thái, huyện Sơn Dương. Người dừng chân nghỉ ở đình Hồng Thái khoảng một tiếng rồi vượt sông Phó Đáy đi vào thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tại đây, Bác Hồ ở nhà cụ Nguyễn Tiến Sự một thời gian ngắn, rồi chuyển lên ở lán Nà Nưa.

Tháng 5/1945 đã đánh dấu mốc lịch sử Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang được trao trọng trách, thực hiện sứ mệnh trung tâm căn cứ địa đầu não của Cách mạng Việt Nam. Và từ đây, Tân Trào chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại gắn chặt với thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, cuối tháng 5, Bác Hồ chỉ thị khẩn trương mở Trường Quân chính kháng Nhật tại Khuổi Kịch (đông bắc xã Tân Trào) để đào tạo cán bộ và Người đã đến thăm trường. Trong những ngày cuối tháng 5/1945, Bác đã chỉ đạo tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Khu giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Thực hiện chủ trương đó, đầu tháng 6/1945 Khu Giải phóng được thành lập, bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Tân Trào - Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu Giải phóng, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng Tám năm 1945: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 tại khu rừng Nà Lừa) quyết định chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội Tân Trào - Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử dân tộc, tiền thân của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (họp tại đình Tân Trào ngày 16,17/8/1945). Tháng 8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử cán bộ ở lại, tiếp tục củng cố khu căn cứ địa Tân Trào và dự báo "Biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào một lần nữa".


Bác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (tháng 3-1961). Ảnh : Tư liệu

75 năm đã trôi qua, Tân Trào - Tuyên Quang vẫn khắc ghi hình ảnh lần đầu Bác về cùng đầy ắp những kỷ niệm về Bác, Núi rừng nơi đây còn vang vọng lời kêu gọi của Bác: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập" và lời Bác thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc tuyên thệ trước Quốc dân Đại hội ngày 17/8/1945: "Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề! ". Một ý chí quyết tâm sắt đá vì độc lập tự do cho dân tộc của Bác Hồ và Đảng ta đã trở thành hành động muôn người như một của dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh vô địch để cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, 75 năm lần đầu tiên Bác về Tuyên Quang, Tuyên Quang có nhiều hoạt động lớn. Thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn 02 nội dung để chỉ đạo việc làm theo đó là: Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa và Tuyên Quang chung tay nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Ngày 16/5/2020, Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với 37 tham luận của các nhà khoa học, quản lý ở Trung ương và địa phương. Ngày 18/5/2020, tại Đình Tân Trào, nơi họp Quốc dân đại hội, sẽ là Điểm cầu truyền hình của Tuyên Quang tham gia Cầu truyền hình kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh, sáng ngời ý chí Việt Nam”, gồm 5 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đồng Tháp, Tuyên Quang. Cũng trong những ngày tháng 5 này, Đảng bộ tỉnh đang tập trung chỉ đạo Đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Toàn tỉnh đang thi đua hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020, có nhiều công trình, việc làm chào mừng kỷ niệm các Ngày lễ lớn, chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.      

PVL

Tin cùng chuyên mục