Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Công thương

Ngày 24-9, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Công thương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Video không hợp lệ

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Ngọc Thực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại buổi làm việc.

Thời gian qua, Sở Công thương đã chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tiến độ được giao. Giai đoạn 2015-2018 sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng và hoàn thành kế hoạch giao, hoạt động thương mại phát triển ổn định, thị trường giữ được bình ổn giá cả, đảm bảo cung cầu các hàng hóa thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2015 đạt 10.192 tỷ đồng, năm 2016 đạt 12.204 tỷ đồng, năm 2017 đạt 13.192 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2018 đạt 10.447 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2018 đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2017 và tăng 2% so với kế hoạch năm 2018. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2015 đạt 71,4 triệu USD, năm 2016 đạt 80,2 triệu USD, năm 2017 đạt 98,5 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2018 đạt 61 triệu USD, ước thực hiện năm 2018 đạt 102 triệu USD, tăng 3,5% so với năm 2017 và hoàn thành kế hoạch năm 2018.           

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Công nghiệp chế biến nông sản chưa thực sự phát triển. Chỉ tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2018 đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Tiến độ triển khai một số dự án công nghiệp chậm. Kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp còn hạn chế.

Sở Công thương đề ra mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2019 đạt 15.660 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 17.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2019 đạt 104,1 triệu USD, phấn đấu đến năm 2020 đạt 135 triệu USD, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong thời gian tới, ngành tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch ngành: Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và các huyện, thành phố. Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 30-KL/TU, ngày 25-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 22-7-2016 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2020…

Ngành đề nghị HĐND, UBND tỉnh sớm xem xét, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 28/2018/TT-BTC, ngày 28-3-2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công (điều chỉnh tăng mức hỗ trợ các hoạt động khuyến công và điều chỉnh tăng tổng mức hỗ trợ khuyến công địa phương hàng năm từ 0,5 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, ngành Công thương tỉnh đã bám sát mục tiêu Nghị quyết, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành và các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2016-2020. Tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô công nghiệp còn nhỏ, đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm, giảm nghèo, đô thị hóa còn hạn chế, chưa tương xứng với vị thế của tỉnh. Ngành vẫn chưa thu hút được các dự án có tầm cỡ, nhất là công nghiệp chế biến; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế; tiến độ triển khai các dự án còn chậm.

Để thu hút các dự án lớn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động rà soát các sản phẩm, các dự án đang triển khai, đang hoạt động để phục vụ cho kế hoạch sản xuất năm 2018; lưu ý các giải pháp tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích đưa hàng hóa về nông thôn, thúc đẩy phát triển thương mại. Đồng thời, chủ động các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu từ nay đến năm 2020; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, ưu tiên các sản phẩm tiên tiến, không ảnh hưởng đến môi trường; điều chỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp cho phù hợp với từng địa phương; chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải phóng mặt bằng đẩy nhanh thi công các dự án công nghiệp; chú trọng phát triển các dự án phục vụ tăng thu ngân sách nhà nước; quan tâm bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại.

Ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng yêu cầu của tổ chức, công dân; quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, không để xảy ra ô nhiễm; rà soát tiềm năng, dư địa để phát triển công nghiệp trong thời gian tới, đầu tư sản phẩm cao cấp mang lại giá trị cao. Sở cần rà soát các đơn vị để bố trí sắp xếp sao cho hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục