Sắc xuân trên Thủ đô Khu giải phóng

"Ới la, bản noọng tón vằn xuân mùa mấu/ Vui đảy mùa bắp khẩu têm sang...” (Bản em đón ngày xuân mùa mới/ Vui được mùa ngô lúa đầy sàn…) cùng tiếng đàn tính ngân nga, và điệu then trong trẻo vang lên nơi miền sơn cước như xua tan cái lạnh của mùa đông. Bên mái nhà sàn truyền thống, những cây đào, cây mận, cây mơ đang bung nụ khoe sắc thắm như chắp thêm niềm tin, sự phấn khởi cho vùng đất cách mạng Tuyên Quang vững bước đón chào năm mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; tạo tiền đề hiện thực hóa khát vọng đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Đổi thay những vùng quê nghèo

Một ngày cuối năm, khi cái rét ngọt thấm trên từng thớ da thịt, chúng tôi về bản người Dao Tiền ở thôn Khuổi Lầy, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa. Dọc con đường bê tông dẫn vào bản là những nếp nhà gỗ nhỏ xinh nép mình hiền hòa bên vườn cải, ruộng ngô đương trổ hoa, xa xa, những cây đào, cây mận bắt đầu hé nụ khoe sắc rực rỡ như báo hiệu mùa xuân về.

Theo chia sẻ của bà con, hai năm trở về trước, đường vào thôn Khuổi Lầy, “lầy” theo đúng nghĩa. Vào những ngày mưa gió, phải mất cả tiếng đồng hồ bà con mới có thể “vượt” được con đường chưa đến 3km để ra đến trung tâm xã. Nhận thức được tầm quan trọng của huyết mạch giao thông đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của đồng bào mình, những năm qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn Khuổi Lầy đã chung sức, đồng lòng góp công, góp của để bê tông hóa tuyến đường. Đến hết năm 2021, tuyến đường bê tông của thôn dài 2,3km đã hoàn hành, trong đó Nhà nước hỗ trợ xây dựng 300m, còn lại do Nhân dân đóng góp xây dựng theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung chúc tết người dân. Nguồn: baotuyenquang.

Không chỉ bê tông đường giao thông nông thôn, người dân còn chung sức xây dựng cổng làng, tuyến đường điện thắp sáng đường quê, lắp đặt kênh mương kiên cố, sáng đẹp... Đặc biệt, giao thông thuận lợi đã giúp tư duy, cách làm kinh tế của người dân nơi đây từng bước thay đổi. Ngoài cây trồng chủ lực là lúa, cây ngô và cây lâm nghiệp, người dân trong thôn phát triển đa dạng các loại cây, con cho thu nhập cao, như: cam, quýt, bưởi, nuôi trâu sinh sản, dê, dúi... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. "Với đồng bào Dao Tiền ở Khuổi Lầy, bất kể gia đình có điều kiện hay không, Tết nhà nào cũng phải có đủ 6 chiếc bánh gù, 6 chiếc bánh mật và 1 miếng thịt lợn dâng lên tổ tiên để tỏ lòng biết ơn"- ông Bàn Văn Hợi, trưởng họ Bàn thôn Khuổi Lầy chia sẻ.     

Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đặt ra, toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, từ cường, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần: “Tư tưởng phải thông, trách nhiệm phải rõ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, giải pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt” thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm

Cũng như những bà con người Dao Tiền, bà con đồng bào dân tộc Dao ở Phia Xeng, thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Hà Lang cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón năm mới. Địa bàn thôn được biết đến là “thủ phủ” cam của xã Hà Lang với tổng diện tích gần 60ha. Cam chính là cây trồng chủ lực, thu nhập chính của bà con, số hộ thu tiền trăm triệu đồng từ cây cam không còn xa lạ. Cùng với cây cam, bà con ở đây còn trồng keo, xoan, mỡ phủ xanh đất trống đồi trọc. Hiện, toàn thôn có hơn 100ha rừng sản xuất. Những cánh rừng to, nhỏ ngút ngàn trải dài khắp núi rừng Phia Xeng đã mang đến cho người dân nơi đây cuộc sống ấm no, một cái Tết đủ đầy hơn.

Chia tay những người dân hồn hậu nơi vùng quê cách mạng Chiêm Hóa, chúng tôi tìm về với Khu di tích Tân Trào, Sơn Dương - nơi được xem là “trái tim Thủ đô Khu giải phóng”. Những người dân nơi đây lại kể cho nhau nghe những câu chuyện về giúp nhau phát triển kinh tế hộ, cùng kể cho nhau nghe câu chuyện về Bác Hồ trong những năm tháng sống và làm việc tại Tuyên Quang… Văng vẳng dưới chân núi Hồng, những câu thơ trong bài Đại hội Tân Trào do một bậc cao niên trong làng ngân nga khiến ai cũng bùi ngùi xúc động: Ba loạt súng vang rừng dội thác/ Chào Ủy ban giải phóng mới bầu xong/ Cây đa to bóng che nửa cánh đồng/ Hồ Chủ tịch bộ áo chàm phai nắng/ Cũng dào dạt muôn vàn lá sáng/ Lắng nghe từng đại biểu ở xa về…

Biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành thuận lợi

Khép lại năm 2022, vượt qua những khó khăn thách thức, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều gam màu sáng. Điều này đã được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm khẳng định: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,66%. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của tỉnh cả trước mắt và lâu dài, như: đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Tuyên Quang...


Mỗi khi tết đến xuân sang, những người dân nơi miền sơn cước của Tuyên Quang lại cùng nhau tổ chức các lễ hội. Nguồn: baotuyenquang.

Song Bí thư Tỉnh ủy cũng thừa nhận: Tuyên Quang vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ và trình độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn…

Năm 2023 là năm có ý nghĩa “bản lề” của nhiệm kỳ 2021 - 2025. Để hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, đặc biệt là chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) phấn đấu đạt từ 9% trở lên, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.200 tỷ đồng... Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: với phương châm “biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành thuận lợi”, tỉnh sẽ  tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương. 

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, kích thích phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực, công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án công nghiệp đi vào kinh doanh, sản xuất; huy động nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, triển khai quyết liệt các biện pháp tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Huy động, phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các công trình trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch, phát triển đô thị để tạo động lực cho sự phát triển....

Mùa xuân đã về trên quê hương cách mạng, tiếng đàn tính hòa với giai điệu Then mượt mà đằm thắm; tiếng chuông, tiếng nhạc trống Sành rộn ràng, vui tươi; tiếng Páo Dung trầm bổng, da diết; vũ điệu khèn Mông say đắm... Hòa vào âm vang của núi rừng là màu sắc sặc sỡ trên trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông, Dao, Tày, Cao Lan, Nùng... Tất cả tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống.  

Bách Hợp
Báo điện tử ĐBND

Tin cùng chuyên mục