Phát triển đội ngũ luật sư - Cần có thêm những chính sách cụ thể

Luật sư là một nghề đã được công nhận, xã hội càng phát triển thì vị trí, vai trò của luật sư càng được khẳng định. Hoạt động của luật sư có vai trò tích cực trong việc góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đối với Tuyên Quang, công tác luật sư luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và có nhiều kết quả tích cực. Thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 29/7/2009 về việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 09/9/2016 thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021, trong đó quán triệt, chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 10/02/2012 về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020; Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 15/4/2013 về triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Nhằm hỗ trợ cho Đoàn luật sư hoạt động, UBND tỉnh đã bố trí 03 phòng làm việc để làm trụ sở của Đoàn luật sư tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh hỗ trợ chi thường xuyên 100.000.000 đồng/năm, ngoài ra hỗ trợ kinh phí tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư, kinh phí mua sắm máy vi tính, bàn ghế, tủ đựng tài liệu… và một số hoạt động khác theo đề nghị của Đoàn luật sư.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang tặng hoa chúc mừng Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh lần thứ VII

Sở Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về luật sư đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Chiến lược phát triển nghề luật sư, đồng thời tăng cường công tác quản lý về tổ chức và hoạt động của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn; tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, cụ thể các kỳ Đại hội Đoàn Luật sư, thường xuyên củng cố, rà soát, kiện toàn tổ chức Đoàn Luật sư.

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư, Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang có tổng số 15 luật sư, 08 tổ chức hành nghề luật sư (07 văn phòng luật sư; 01 công ty luật) và 04 chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư (02 chi nhánh của văn phòng luật sư, 02 chi nhánh của công ty luật) (tăng 04 chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư so với năm 2011). Các tổ chức hành nghề luật sư của tỉnh đã tham gia tố tụng 858 việc; tư vấn pháp luật: 1.566 việc; thực hiện dịch vụ pháp lý khác: 48 việc; thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý: 145 việc; thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật luật sư 487 việc cho các đối tượng thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn trong các vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân, gia đình, lao động. Bên cạnh đó Đoàn luật sư của tỉnh cũng tích cực tham gia vào các hoạt động khác, như: tổ chức tuyên truyền pháp luật cho nhân dân; cử luật sư tham gia hỗ trợ UBND tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia ý kiến vào 60 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam...

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh cũng đã bộc lộ những hạn chế và khó khăn nhất định, như: Số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư của tỉnh phát triển chậm, sau 10 năm số lượng luật sư của tỉnh không tăng (không đạt mục tiêu Chiến lược đề ra: Đến năm 2020 tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30 đến 50 luật sư); số tổ chức hành nghề luật sư là 08 tổ chức (không tăng tổ chức nào). Các tổ chức hành nghề luật sư của tỉnh có quy mô nhỏ (có từ 01 đến 04 luật sư); phân bố không đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, có đến 07 tổ chức hành nghề luật sư và 03 chi nhánh được thành lập tại Thành phố Tuyên Quang, trong khi đó, chỉ có 01 tổ chức được thành lập tại huyện Na Hang, 01 chi nhánh tại huyện Sơn Dương, các huyện còn lại chưa có tổ chức hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động (không đạt mục tiêu tại Đề án phát triển đội ngũ luật sư tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 đề ra: Đến năm 2020 mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 tổ chức hoặc chi nhánh hành nghề luật sư).

Về chất lượng luật sư, kỹ năng tranh tụng của một số ít luật sư còn hạn chế, uy tín nghề nghiệp chưa cao; phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, chủ yếu tư vấn pháp luật các vụ việc đơn giản, tham gia tố tụng với các vụ án ít phức tạp, chưa có luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại hay quan hệ quốc tế.

Những hạn chế đó đã phần nào ảnh hưởng đến việc đáp ứng các nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội của người dân, mà nguyên nhân của những hạn chế đó chủ yếu do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý từ luật sư phát sinh ít; mặt khác, một số luật sư của tỉnh chưa thật sự tích cực trong bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nên năng lực, uy tín chưa cao.

Từ những vấn đề trên cho thấy để phát triển đội ngũ luật sư tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như tỉnh Tuyên Quang thì trong thời gian tới, giai đoạn 2020-2030 Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần tổng kết, hoàn thiện thể chế pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục ban hành các Đề án, Chiến lược phát triển luật sư, đặc biệt là cần thiết phải có Đề án phát triển luật sư theo vùng miền, lĩnh vực; có chính sách hỗ trợ các tỉnh miền núi mở các lớp đào tạo luật sư miễn phí; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư hiện có. Xây dựng Đề án cụ thể để huy động đội ngũ luật sư tham gia xây dựng chính sách, tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Có chính sách để kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư từ các tổ chức, nhất là các doanh nghiệp; đồng thời, có chính sách để thu hút các luật sư có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức để tạo nguồn tuyển dụng vào các cơ quan tư pháp và bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp.

Về phía địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần quan tâm có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí để Đoàn luật sư hoạt động hiệu quả; có cơ chế thu hút luật sư trẻ, giỏi về địa phương đăng ký hoạt động; có cơ chế phối hợp tốt với Đoàn luật sư của tỉnh trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động của luật sư và phối hợp, tạo môi trường thuận lợi cho luật sư hoạt động nghề nghiệp. Có như vậy thì công tác luật sư mới thật sự được nâng cao, từ đó phát triển đội ngũ luật sư “đủ về số lượng, mạnh về chất lượng”, tạo bước phát triển mới cho luật sư, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Nguyễn Hữu Trúc
Sở Tư Pháp

Tin cùng chuyên mục