Những điểm mới của các Luật có hiệu lực pháp luật từ 01/7/2020 liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp

Kể từ ngày 01/7/2020, 12 Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, 7 và 8 chính thức có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật dân quân tự vệ 2019; Luật Lực lượng dự bị động viên 2019; Luật Kiến trúc 2019; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; Luật quản lý thuế 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018; Luật Thư viện 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật giáo dục 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trong số 12 Luật ban hành nêu trên có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật dân quân tự vệ 2019; Luật Lực lượng dự bị động viên 2019; Luật Kiến trúc 2019 quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp; các Luật còn lại không quy định phạm vi điều chỉnh và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp.


Nhiều dự án luật được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Một số điểm mới của các Luật có liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại Điều 2 của Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có một số nội dung mới như sau:

Thứ nhất, đại biểu Hội đồng nhân dân cần có 01 quốc tịch Việt Nam: Đây là nội dung mới được bổ sung vào Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng điều kiện có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, tức là có thể là người mang nhiều quốc tịch nhưng trong đó phải có quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai, giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp: Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu). Tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu).

Đối với Hội đồng nhân dân huyện: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu). Huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

Đối với Hội đồng nhân dân xã: Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu. Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu). Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu). Xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

Thứ ba, thay đổi số lượng, cơ cấu Thường trực HĐND tỉnh: Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND tỉnh. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. (Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Chủ tịch HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách).

Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND tỉnh do HĐND tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban. Trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. (So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, không quá hai Phó Trưởng ban. Trưởng ban của HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách). Cơ cấu về số lượng Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh thay đổi theo hướng giảm số lượng và có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương.

Đối với cơ cấu Thường trực HĐND cấp huyện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Thường trực HĐND huyện gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND huyện. Như vậy, số lượng Phó Chủ tịch HĐND huyện giảm 01 so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; bổ sung thêm quy định Trưởng ban của HĐND cấp xã là Ủy viên Thường trực HĐND cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã trong việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của xã trước khi trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.

Thứ tư, không còn khái niệm “họp bất thường”. Tại khoản 30, Điều 2 quy định: Thay thế cụm từ “bất thường” bằng cụm từ “chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất” tại khoản 2 và khoản 3 Điều 78, khoản 2 và khoản 3 Điều 80, khoản 1 và khoản 3 Điều 97, khoản 2 Điều 113, khoản 4 Điều 114.

Thứ năm, bổ sung thêm quy định của đại biểu HĐND trong việc tiếp xúc cử tri và thôi làm nhiệm vụ đại biểu, cụ thể: Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu (trước là với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình). Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về thôi làm nhiệm vụ đại biểu, trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu HĐND không còn công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Đại biểu HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.

2. Luật Kiến trúc 2019. Đây là một trong những Luật được coi là có nhiều điểm mới bắt kịp với thế giới song đảm bảo các yêu cầu, điều kiện phù hợp với Việt Nam như: Kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc; thời hạn và các điều kiện hành nghề kiến trúc; Áp dụng mẫu thiết kế riêng cho khu vực thường xảy ra thiên tai; tổ chức thi tuyển nhiều công trình kiến trúc của địa phương….Một trong các quy định về quản lý kiến trúc yêu cầu chính quyền địa phương có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại khoản 4, Điều 14 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành; đối với quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I là thành phố trực thuộc trung ương thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Trong trường hợp điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua việc điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc trước khi quyết định điều chỉnh; đối với quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I là thành phố trực thuộc trung ương thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng (khoản 4, Điều 15, Luật Kiến trúc 2019).

3. Luật Dân quân tự vệ năm 2019 (thay thế Luật Dân quân tự vệ năm 2009). Cùng với các quy định chung và cụ thể về dân quân tự vệ, tại Điều 44 Luật quy định HĐND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:

Thứ nhất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phê chuẩn, quyết định đề án, dự án, kế hoạch về Dân quân tự vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

Thứ hai, quyết định ngân sách bảo đảm cho Dân quân tự vệ của địa phương;

Thứ ba, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về Dân quân tự vệ.

4. Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên năm 1996 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2019. Tại Điều 38, quy định Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:

Thứ nhất, Quyết định ngân sách bảo đảm cho việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của địa phương;

Thứ hai, Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục