Một số kết quả công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2021

Tuyên Quang là tỉnh miền núi với 138 xã, phường, thị trấn, 1.733 thôn, tổ nhân dân (trong đó có 50 xã đặc biệt khó khăn, 120 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025); dân số trên 78 vạn người với 22 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,7% (dân tộc Tày chiếm 25,36%; dân tộc Dao chiếm 12,63%; dân tộc Cao Lan chiếm 8,65%; dân tộc Mông chiếm 2,29%; dân tộc Nùng chiếm 1,9%; dân tộc Sán Dìu chiếm 1,6%; dân tộc Pà Thẻn chiếm 0,12%). Đảng bộ tỉnh có 56.936 đảng viên, trong đó có 25.535 đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 44,8%. 


Quang cảnh Hội nghị biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận, giai đoạn 2016-2021.

Trong những năm qua, xác định công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo được những chuyển biến tích cực về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, qua đó nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức với phương châm gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà đến Nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, trong công tác tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt chú trọng các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi... Công tác giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả; Văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 99% số thôn có đường ô tô đến trung tâm; trên 99 % số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có trường Mầm non, trường tiểu học, trường THCS; 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo từ 27,81% (năm 2016) giảm xuống còn 9,03% (cuối năm 2020), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ trên 46% xuống còn 15,03%...


Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng trao Giấy khen cho các cá nhân. Ảnh: Thành Công

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; vận động nhân dân, quần chúng triển khai, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng “Mái ấm tình thương”; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... qua đó thu hút, tập hợp, xây dựng và củng cố tổ chức từ cơ sở. Lực lượng vũ trang làm tốt công tác nắm tình hình; chủ động phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở; thực hiện 4 cùng với nhân dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, vận động nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, tuyên truyền, vận động thanh niên dân tộc thiểu số lên đường nhập ngũ đảm bảo 100% chỉ tiêu được giao. Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình an ninh trong vùng dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng truyền bá đạo trái pháp luật. 

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cấp ủy các cấp luôn quan tâm, coi trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp, trình độ cán bộ được nâng lên cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 13.182 cán bộ, công chức, viên chức; nâng tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ và đội ngũ giáo viên, cán bộ cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục, nâng cao kiến thức quốc phòng an ninh cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, quản lý chắc địa bàn. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng, chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc, mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Quan tâm củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận…

Ngọc Trâm

Tin cùng chuyên mục