Hội thảo đề tài khoa học cấp tỉnh về nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Chiều ngày 01/3/2022, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Đề tài cấp tỉnh “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND tỉnh Tuyên Quang”.
Video không hợp lệ

Các đại biểu dự hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thành phố. 

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND tỉnh Tuyên Quang” do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện từ năm 2020, đến nay đã tổ chức hội thảo lần 2, chuẩn bị đến bước nghiệm thu cơ sở. Tại hội thảo, các đại biểu tham luận tập trung vào 13 nhóm chủ đề về thực trạng hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tác động của hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với việc ban hành các nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp nhận, tổng hợp, giải quyết kiến nghị của cử tri;... 


Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tổng quan về đề tài.

Báo cáo đề dẫn hội thảo cho thấy: HĐND tỉnh khoá XVII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã thực hiện 935 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận tổng số 3.571 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Kết quả các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã xem xét trả lời, giải quyết 3.571 ý kiến, kiến nghị (đạt 100%).

HĐND tỉnh khoá XVIII (nhiệm kỳ 2016-2021) đã thực hiện 597 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận tổng số 2.972 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Kết quả các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã xem xét trả lời, giải quyết 2.965 ý kiến, kiến nghị (đạt 99,8%). Còn 07 ý kiến, kiến nghị chưa xem xét, giải quyết.

Bằng cơ sở lý luận, các quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hoạt động của HĐND tỉnh thời gian qua, các tham luận đã đánh giá khách quan ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế trong hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND tỉnh. Theo đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian qua được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo; có sự phối hợp chặt chẽ của Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; được các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh chú trọng nghiên cứu, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là hình thức giám sát mới của Thường trực HĐND tỉnh được quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhưng đã được Thường trực HĐND tỉnh nghiêm túc triển khai, có hiệu ứng tích cực. Các kiến nghị của cử tri đều được Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, góp phần giữ gìn ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu dự hội thảo cũng đánh giá công tác tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị của cử tri thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với nhóm cử tri ít được thực hiện; một số ít đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu văn bản pháp luật và các quy định của địa phương chưa sâu, chưa kỹ dẫn đến giải đáp ý kiến của cử tri, tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri còn hạn chế; việc đeo đuổi đến cùng kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được thường xuyên…

Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các đại biểu dự hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị của cử tri như:

- Giải pháp về thể chế: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt  động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 theo hướng cụ thể quy định về phương thức giám sát của Thường trực HĐND tỉnh thông qua hình thức phản hồi của cử tri; bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề phát sinh trên thực tế. Kiến nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

- Giải pháp về con người, các đại biểu đề xuất cần làm tốt khâu lựa chọn để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đại biểu HĐND; đồng thời tổ chức tốt bộ máy Văn phòng để tham mưu tổ chức hiệu quả các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.


Đại biểu Phạm Thị Thành Chung, Phó Chánh Thanh tra tỉnh báo cáo tham luận tại hội thảo.

- Giải pháp mở rộng phạm vi đối tượng của cử tri được tiếp xúc, đa dạng hoá các hình thức tiếp xúc như trực tiếp, qua mạng xã hội, qua điện thoại, qua hội nghị trực tuyến…; chú trọng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và tiếp xúc cử tri thường xuyên; bên cạnh đó cũng cần phải xây dựng kế hoạch khoa học, làm tốt khâu chuẩn bị, bố trí lịch cho các đại biểu tiếp xúc, làm việc với các địa phương sau khi tiếp xúc cử tri.

- Giải pháp về công tác phối hợp, các đại biểu đề nghị tăng cường phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương trong tiếp xúc cử tri; bố trí đầy đủ các thành phần tham gia cuộc tiếp xúc cử tri.

- Để giải quyết tốt, triệt để các kiến nghị của cử tri, các đại biểu đề xuất tăng cường công tác giám sát của Thường trực HĐND đối với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về trách nhiệm giải quyết. Theo dõi và giám sát chặt chẽ kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc thực hiện lời hứa của lãnh đạo các ngành, cơ quan, đơn vị.  Giao trách nhiệm và nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc theo dõi, đeo bám quyết liệt việc giải quyết kiến nghị của cử tri do mình tiếp thu, phản ánh.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Thời gian qua hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, có nhiều đổi mới; hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tăng cường, góp phần để đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi hợp pháp của cử tri, của Nhân dân; khẳng định vai trò, vị trí của HĐND tỉnh- cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Đề tài do Ban Kinh tế - Ngân sách thực hiện là nội dung quan trọng, sát thực với chức năng nhiệm vụ của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh. Đồng chí đề nghị Chủ nhiệm đề tài và thành viên trong nhóm nghiên cứu đề tài cần tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự hội thảo để hoàn thiện báo cáo khoa học; tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở, đảm bảo tiến độ nghiệm thu cấp tỉnh. Sản phẩm của đề tài là tài liệu quan trọng giúp HĐND các cấp trong tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời sẽ là tài liệu để HĐND tỉnh trao đổi, chia sẻ với HĐND các tỉnh bạn tham khảo, vận dụng./.

Phòng Dân nguyện - Thông tin và Tuyên truyền
Ảnh: Ngọc Hưng
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục