Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Kết luận của Bộ chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Ảnh Ngọc Hưng

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tăng Thị Dương, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Sở Tư pháp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, địa phương đã có nhiều ý kiến tham gia phát biểu vào Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Ngày 01/10/2021, Bộ Chính trị thông qua Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội căn cứ Kết luận để hoàn chỉnh Đề án, thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hằng năm.

Tại Kết luận, Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Tại Đề án được Bộ Chính trị thông qua, Đảng đoàn Quốc hội đã xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV; đề xuất 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện, 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2026; thứ tự ưu tiên và các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến tham gia phát biểu của đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, địa phương vào Đề án. Đồng thời yêu cầu Đảng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV sau khi được Bộ Chính trị thông qua và có Kết luận chỉ đạo; lãnh đạo, chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, bảo đảm chất lượng và tiến độ; chỉ đạo nghiên cứu, rà soát đối với các định hướng, nhiệm vụ lập pháp thuộc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, rà soát các văn bản, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vi phụ trách của cơ quan mình và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp tham gia ý kiến với các cơ quan của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, rà soát các văn bản, pháp lệnh, nghị quyết; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát và phản biện xã hội đối với công tác xây dựng pháp luật, phát huy vai trò trách nhiệm tham gia có hiệu quả vào quá trình lập pháp./.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục