Đoàn kết - Sức mạnh vượt qua đại dịch Covid-19

Tháng 9/2021, gần 220 triệu người nhiễm và 4,5 triệu người tử vong vì dịch Covid-19 trên toàn thế giới, mỗi ngày con số thống kê lại tăng lên với hàng trăm nghìn ca nhiễm mới và hàng chục nghìn ca tử vong mới, buộc các nước luôn trong tình trạng khẩn cấp như thời chiến. Với những đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống kinh tế kéo dài sâu sắc; hai từ “Đoàn kết” luôn được nhắc đến nhiều bởi lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế, dù văn hóa tập quán hay thói quen, sở thích có khác biệt thế nào thì sau hàng loạt đợt “Lũ Covid” dường như cả nhân loại đã nhận thấy vũ khí chiến đấu của con người lúc này chỉ có thể là sự sáng suốt, bình tĩnh, ý chí và tinh thần đoàn kết, chỉ đoàn kết mới chạy đua tốc độ được với vi rút, đoàn kết mới bền bỉ trước cuộc chiến đấu lâu dài đưa cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất.


Đoàn cán bộ y, bác sỹ lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19 (ngày 9/9/2021)

Đoàn kết thống nhất phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết một lòng sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, bên cạnh những đau thương của dịch bệnh chúng ta lại được thấy một Việt Nam tuyệt vời, quả cảm, sức mạnh toàn dân tộc dâng cao từ sự lan truyền một cách hết sức tự nhiên, những phẩm chất tốt đẹp ngàn đời, đó là tinh thần đoàn kết bao dung, sự chia sẻ và sống có nghĩa, có tình, niềm tin lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu, bởi đó là sức mạnh, niềm tin, cũng là minh chứng cho kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch suốt cả thời gian dài vừa qua. Trong trận chiến chống Covid-19, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Đảng, Chính phủ Việt nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh tập thể cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Trong Lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Thời điểm hiện tại, dòng tình cảm ân tình vẫn chảy dài trên mỗi con đường, từng ngõ xóm kịp thời hỗ trợ những mảnh đời gian khó vì dịch bệnh. Sự sáng tạo của người Việt Nam trong đại dịch là minh chứng cụ thể cho việc phát huy động lực nội sinh trong cộng đồng, thể hiện giá trị nhân văn, truyền thống văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam trước khó khăn thử thách. Nhiều tình nguyện viên nhận nhiệm vụ, tự nguyện nhận nhiệm vụ vào những khu hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực để chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân…Mạch  nguồn giá trị nhân văn truyền thống vì thế mà tiếp tục tỏa sáng trong biến cố thời đại và cho thấy Người Việt Nam dù giữa muôn vàn khó khăn khi dịch bệnh bủa vây, tình nghĩa đồng bào, sự sáng tạo, đoàn kết chưa bao giờ vơi cạn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào “Quỹ vắc xin phòng Covid-19” đây chính là “Quỹ của niềm tin”, “Quỹ của lòng nhân ái”, “Quỹ của tinh thần đoàn kết”.

Những tháng ngày bền bỉ căng mình chống dịch vẫn liên tục có nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện vận động, ủng hộ, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực, sáng tạo với nhiều phương thức để tham gia ủng hộ phòng chống dịch, nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa, những bếp cơm nghĩa tình, những bữa ăn miễn phí, hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa, nhân rộng. Với hiện tại, khi dịch tiếp tục hoàng hành trên nhiều tỉnh, thành phố, có địa phương trở thành tâm dịch, một lần nữa tinh thần “Tương thân, tương ái” của người Việt Nam được phát huy và thể hiện qua nhiều việc làm đầy ý nghĩa. Những ngày diễn ra dịch bệnh chúng ta được chứng kiến nhiều cách làm hay, sáng tạo của cộng đồng để giúp đỡ, tương trợ cùng vượt qua khó khăn, đó là những “ATM gạo”, “Cửa hàng không  đồng”, “ Siêu thị không đồng”, “phiên trợ không đồng”, “Phiếu mua hàng không đồng”, “Túi an sinh” hay “Bếp tiền phương”, “Bếp yêu thương” phục vụ hàng ngàn suất cơm trưa mỗi ngày cho người lao động khó khăn ở những vùng có dịch.


Tuyên Quang ủng hộ sản phẩm nông sản để hỗ trợ nhân dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Nam

Với truyền thống quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đồng lòng, thống nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19; với tinh thần kỷ luật, quyết liệt, nghiêm túc, linh hoạt, đồng lòng, sẻ chia… những tổ Covid-19 cộng đồng, tổ xung kích tình nguyện tham gia các chốt kiểm dịch, các tổ thiện nguyện đang phát huy vai trò hiệu quả, toàn tỉnh hiện có 2.350 Tổ Covid cộng đồng ở 138 xã, phường, thị trấn;… những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp ủng hộ nông sản và các nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân trong thời gian vừa qua đã đồng tâm, thống nhất, ủng hộ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch như y tế, quân đội, công an; lực lượng làm việc tại các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch... đang ngày đêm không ngừng nghỉ tham gia phòng, chống dịch. Đến thời điểm hiện nay, Tuyên Quang vẫn giữ vững thành quả tỉnh là "vùng xanh" trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước, bảo đảm sự an toàn cho nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 27/5/2021, tại lễ phát động, tất cả các điểm cầu đã trực tiếp ủng hộ kinh phí, trao tiền ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid -19 cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với số tiền trên 3,7 tỷ đồng. Sáng ngày 01/9/2021, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức Chương trình tiếp tục ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch theo hình trực tuyến, tại chương trình 8 điểm cầu đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền với số tiền trên 7 tỷ đồng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, tỉnh Tuyên Quang đã cử 05 đoàn gồm 182 cán bộ y, bác sỹ ngành Y tế tỉnh có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống dịch theo yêu cầu chuyên môn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đến từ các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Tuyên Quang đang khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Ccvid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, nhiều người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã nhận được tiền hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống…

Đoàn kết đã là truyền thống được hun đúc trong mỗi người con đất Việt và được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Và một lần nữa, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân chắc chắn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình yên./.                                             

NHL

Tin cùng chuyên mục