Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa là một trong ba khâu đột phá cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Ngày 22/5/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên. Đây là Nghị quyết quan trọng thực hiện xuyên suốt cả nhiệm kỳ đòi hỏi sự tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để thể chế hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2016 quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Nghị quyết quy định, đối với các tuyến kênh phục vụ tưới từ 2ha trở lên, tỉnh hỗ trợ 100% cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn, gối đỡ và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến trung tâm xã, phường, thị trấn. Đối với các xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có tỷ lệ đường trục chính nội đồng được bê tông hóa dưới 50% và một số tuyến đường cho các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tỉnh hỗ trợ 100% xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến chân công trình hoặc địa điểm thi công gần nhất có ô tô vận chuyển đến được và hỗ trợ chi phí quản lý 2 triệu đồng/ km. Đối với xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên, nhà nước hỗ trợ xây dựng bằng cấu kiện đúc sẵn gồm toàn bộ cột bê tông, vì kèo thép, xà gồ thép, tôn lợp, cửa, cửa sổ và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến chân công trình hoặc địa điểm gần nhất ô tô có thể vận chuyển đến. Nghị quyết cũng yêu cầu các điều kiện để được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa phải phù hợp với quy hoạch, diện tích mặt bằng từ 300 m2 trở lên ở các xã đặc biệt khó khăn và 500 m2 trở lên ở nông thôn và 350 m2  trở lên đối với vùng thành thị.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị.

 

Để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, đảm bảo thực hiện theo lộ trình Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 3 đề án thực hiện Nghị quyết số 03/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có trên 414 km đường giao thông nội đồng cần bê tông hóa. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có trên 35% số km đường giao thông nội đồng được bê tông hóa. Trong đó ưu tiên tập trung thực hiện ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới và một số tuyến đường phục vụ cho các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh. Giai đoạn 2021-2025 tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng giao thông nội đồng và phấn đấu có trên 70% số km đường giao thông trục chính nội đồng toàn tỉnh được bê tông hóa. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án và chính sách hỗ trợ khoảng 652 tỷ đồng. Đề án Kiên cố hóa kênh mương, từ nay đến năm 2025, sẽ có trên 1.500 km kênh mương được bê tông hóa bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu kiên cố hóa 780 km kênh mương, số còn lại trên 730 km sẽ tiếp tục được bê tông hóa trong phân kỳ 2021-2025. Đối với Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định. Mục tiêu đến năm 2025 có trên 75% nhà văn hóa đạt chuẩn. Ước tính, tỉnh Tuyên Quang phải xây dựng 595 nhà văn hóa trong phân kỳ 2016-2020 và 537 nhà văn hóa trong phân kỳ tiếp theo. Kinh phí thực hiện đề án khoảng trên 546 tỷ đồng.

Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, được người dân đồng tỉnh ủng hộ ngoài việc ban hành các cơ chế, chính sách cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp một cách đồng bộ, hiệu quả. Các cấp, các ngành trong tỉnh cần có kế hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thấy được mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và vai trò của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong tổ chức triển khai thực hiện. Hằng năm cân đối nguồn kinh phí cho các huyện, thành phố kịp thời để thực hiện chính sách đảm bảo quy định; đồng thời quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong nhiệm kỳ./.

Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục