Đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức

Đại đoàn kết dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống quý báu, một động lực to lớn để dân tộc ta vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.

Trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam và thực tiễn cách mạng thế giới đã sớm hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Thực tiễn đã cho thấy, tư tưởng Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và là cơ sở cho chiến lược của Đảng ta, nhờ có tư tưởng đại đoàn kết đã đem lại những thành công của cách mạng Việt Nam.Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết được hình thành trên cơ sở truyền thống đoàn kết, nhân ái, khoan dung, độ lượng của người Việt Nam. Mặt khác, Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về đoàn kết và tập hợp lực lượng. Người đã thấm nhuần quan điểm cách mạng của Mác đó là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, cho nên cách mạng muốn mạnh trước hết phải đoàn kết đại đa số Nhân dân, mà đại đa số Nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp Nhân dân lao động khác đến đoàn kết các dân tộc, để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.


Nhân dân các dân tộc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (Ảnh: sonduong.gov.vn)

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trước đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thì việc thực hiện tư tưởng đại đoàn kết của Người càng có ý nghĩa quan trọng, đó là một trong những nhân tố bảo đảm cho quá trình đổi mới, phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc 91 năm qua là những minh chứng cho việc xây dựng và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 90 năm thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Quán triệt sâu sắc, vận dụng và phát triển sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam là sự liên kết, gắn bó tất cả các thành viên, các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng miền của đất nước, người trong đảng và người ngoài đảng, người đang công tác, người đã nghỉ hưu và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài thành một khối vững chắc, ổn định, lâu dài, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ  Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt nam lãnh đạo. Trong khối đại đoàn kết đó, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là lực lượng nòng cốt, đông đảo nhất, đồng thời là cơ sở vững chắc của khối đại đoàn kết dân tộc. thông qua khối liên minh này, Đảng, Nhà nước có thể tập hợp, vận động mọi tầng lớp nhân dân lao động khác tham gia quản lý nhà nước, làm chủ xã hội, làm cho lợi ích giai cấp gắn chặt với lợi ích dân tộc, tạo đồng thuận cao trong xã hội


Quân và dân đoàn kết xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (Ảnh: sonduong.gov.vn)

Quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng đã quan tâm hơn đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đến công tác Dân vận - Mặt trận. Chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đã thật sự có chuyển biến về nhận thức và hành động trong quan hệ với Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội được thể chế hóa và từng bước được phát huy. Sự đổi mới  tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và nhiều nơi gần đây bổ sung “dân thụ hưởng” đã góp phần quan trọng động viên nhân dân hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển  kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là giúp nhau trong khó khăn. Nhiều minh chứng sinh động đã và đang diễn ra cho thấy tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình đồng bào bền gốc, sâu rễ của người Việt Nam ta, bất kể là ai, làm ở lĩnh vực nào. Mỗi khi đứng trước những khó khăn, thử thách, tinh thần ấy lại được phát huy, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo nên sức mạnh, ý chí của dân tộc, gần đây là trong phòng, chống dịch Covid-19; bão lũ tại miền Trung...dân tộc Việt Nam có một sức sống mãnh liệt, qua mấy nghìn năm chinh chiến khói lửa liên miên, vẫn ngẩng cao đầu, giương cao ngọn cờ đại nghĩa chính là nhờ vào sức mạnh đại đoàn kết.

Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần động viên Nhân dân huy động nguồn lực, khắc phục hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau ổn định cuộc sống; lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội, nhân rộng những mô hình, sáng kiến, sáng tạo giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng hay hợp tác xã, doanh nghiệp… vươn lên mạnh mẽ trong khó khăn, thử thách, quyết tâm phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung, cùng nhau hợp sức xây dựng xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau, vì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của đất nước../.

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục