Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những hoạt động quan trọng của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật sẽ thu thập và giải quyết một cách kịp thời các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề cử tri quan tâm góp phầnxây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thể hiện ở hai tương tác quan trọng: Tương tác thứ nhất: Cử tri phản ánh ý kiến, kiến nghị của mình tới đại biểu HĐND, đại biểu HĐND lắng nghe, trả lời những ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri hoặc tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đó để yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết. Tương tác thứ hai: Đại biểu HĐND thông báo đến cử tri tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong kỳ, báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri trong lần TXCT trước và báo cáo hoạt động của đại biểu, kết quả kỳ họp HĐND, đồng thời phổ biến các Nghị quyết của HĐND và tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện Nghị quyết. Hai tương tác trên thể hiện mối quan hệ giữa cử tri với đại biểu. Đại biểu HĐND là chiếc cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua 2 tương tác này và những hoạt động khác của đại biểu mà cử tri giám sát toàn bộ hoạt động của đại biểu HĐND do mình bầu ra.


Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Tiến Thắng tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh tại xã Thành Long (Hàm Yên).

Để làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với chính quyền các cấp, người đại biểu dân cử ngoài nhiệt tâm cống hiến, cần phải có năng lực, có khả năng tiếp thu, lĩnh hội vấn đề một cách chọn lọc. Bên cạnh việc lắng nghe và ghi nhận tất cả tâm tư, nguyện vọng của người dân, đại biểu cần chủ động học hỏi, tự nghiên cứu những kiến thức cơ bản về các lĩnh vực và phải nắm được những vấn đề phức tạp, bức xúc của địa phương nơi tiếp xúc. Một kinh nghiệm rất cần thiết đối với tất cả đại biểu là phải chủ động chuẩn bị, cập nhật thông tin về những vấn đề bức xúc hoặc được cử tri phản ánh nhiều lần để có thể trả lời cử tri một cách thấu tình đạt lý khi được chất vấn. Đại biểu chỉ có thể tạo được niềm tin, sự yêu mến của cử tri thông qua việc làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền.

Theo luật, cử tri có quyền tiếp xúc với những người mình đã lựa chọn để thay mặt mình tham gia trực tiếp vào công việc trong các cơ quan dân cử; thay mặt mình thực hiện các quyền lập pháp và giám sát thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Thế nhưng số đông cử tri lại chưa quan tâm thực hiện quyền TXCT. Thực tế ở nhiều cuộc TXCT, người tham dự chủ yếu là các vị đại diện các tổ chức, đoàn thể địa phương mà các đại biểu vẫn nói vui là “đại cử tri”.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT, trước hết từng Tổ đại biểu phải xây dựng kế hoạch TXCT và phải căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị TXCT cho phù hợp. Mỗi điểm tiếp xúc nên có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và một số phòng, ban để ghi nhận và trực tiếp trả lời kiến nghị của cử tri. Có thể kết hợp để đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã cùng TXCT rồi tổng hợp, phân loại ý kiến để xử lý. Đối với địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc TXCT, đại biểu phải xuống tận các thôn kết hợp với công tác chuyên môn để nắm tình hình thực tế ở cơ sở. Với đại biểu, không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc với cử tri mà còn phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu. Ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được giải thích rõ ràng chứ không chỉ “ghi nhận” và chuyển tới các cơ quan liên quan. Đại biểu phải đeo bám, giám sát cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau, vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT. Sau mỗi kỳ tiếp xúc, việc phân loại và chuyển kiến nghị tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp cho việc giải quyết ý kiến, kiến nghị nhanh hơn, chính xác hơn, góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với bản thân đại biểu và chính quyền các cấp.

Đổi mới nội dung tiếp xúc cử tri, trên cơ sở kế hoạch, đề cương, đại biểu HĐND cần nghiên cứu, chuẩn bị lựa chọn nội dung, những vấn đề liên quan trực tiếp đến cử tri để thông báo tới cử tri đảm bảo ngắn gọn, phù hợp với địa bàn tiếp xúc và đối tượng cử tri; dành thời gian hợp lý cho cử tri tham gia ý kiến, kiến nghị khác mà cử tri quan tâm. Các nghị quyết HĐND mới được thông qua tại kỳ họp và các văn bản pháp luật liên quan khác cần được tuyên truyền, phổ biến, giải thích, vận động Nhân dân thực hiện.

Thực hiện tốt công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đây là vấn đề quan trọng cần quan tâm, để nâng cao chất lượng tổng hợp, ngay từ khâu tổng hợp của từng đại biểu đến tổng hợp của Tổ trưởng Tổ đại biểu đã phải bảo đảm chính xác, trọng tâm những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị và phải đúng thẩm quyền của từng cấp. Trong thời hạn quy định, Văn phòng có trách nhiệm phân loại, tham mưu với Thường trực HĐND ban hành văn bản yêu cầu UBND, các cơ quan chức năng xem xét chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Chỉ đạo tăng cường làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND, các Ban của  HĐND, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND chủ động, tích cực theo dõi, đôc đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng. Tập trung theo dõi, giám sát đến cùng để các ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri chưa được giải quyết, trả lời thỏa đáng và kiến nghị nhiều lần.

Hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức thực hiện nghiêm túc, với ý thức cao của các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như các cơ quan, ban, ngành chức năng thì chắc chắn những tồn tại sẽ được khắc phục, chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ ngày càng tốt lên, mối quan hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri ngày càng khăng khít, xứng đáng với niềm tin mà cử tri và nhân dân tỉnh đã gửi gắm vào đại biểu Hội đồng nhân dân./.

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục