Kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh giai đoạn đoạn 2014-2019

Thực hiện chương trình giám sát năm 2019, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014- 2019; báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVIII.

Qua giám sát cho thấy việc phát triển giáo dục mầm non được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi đi nhà trẻ đạt trên 30%, đến năm 2025 phấn đấu đạt tỷ lệ 50%. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ- HĐND ngày 01/8/2019 quy định chính sách khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi và kinh phí trả lương cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian đầu thành lập và hoạt động. UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, hướng dẫn..., tập trung giải pháp để huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.


Một số hình ảnh về hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh

Toàn tỉnh hiện có 174 cơ sở giáo dục mầm non (151 trường mầm non và 23 nhóm trẻ độc lập) với 564 nhóm trẻ, 1.646 lớp mẫu giáo, 11.096 trẻ nhà trẻ và 47.343 trẻ mẫu giáo; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 99,9%, trẻ nhà trẻ đạt 33,2%, cao hơn tỷ lệ bình quân của các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và cả nước, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018- 2025. 7/7 huyện, thành phố đều có cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. 100% xã, phường, thị trấn duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ ăn bán trú nhà trẻ đạt 83,4%, mẫu giáo đạt 94,5%. Thực đơn và chế biến bữa ăn bán trú của các cơ sở giáo dục mầm non cơ bản đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; một số cơ sở đã thực hiện việc cho trẻ uống sữa tươi tại trường; tỷ lệ trẻ mầm non đến lớp suy dinh dưỡng thấp hơn tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi toàn tỉnh. Đã có 18/174 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện thí điểm chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh; 100% trường, nhóm, lớp vùng dân tộc thiểu số thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non. Các chế độ, chính sách đối với trẻ được thực hiện đầy đủ theo quy định. Trong giai đoạn 2014-2018 tỉnh đã bố trí 140.442 triệu đồng từ ngân sách và huy động được 98.301,3 triệu đồng từ các nguồn đóng góp trong xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. 99,9% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên (trong đó trên chuẩn là 75,7%), so với năm 2014 tăng 31,1%.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế. Tỷ lệ trẻ học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập toàn tỉnh thấp, chỉ đạt 1,88% tổng số trẻ đã ra lớp, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước và các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh còn 16,6% trẻ nhà trẻ và 5,5% trẻ mẫu giáo chưa được ăn bán trú tại trường. Còn 60 điểm trường mầm non công lập tổ chức cho trẻ ăn bán trú nhưng chưa thực hiện được việc nấu ăn tập trung, đồ ăn bữa trưa và bữa phụ buổi chiều do gia đình chuẩn bị mang đến từ sáng nên không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng. Một số điểm trường khó khăn về cơ sở vật chất nên chưa đảm bảo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nấu ăn tại trường cho trẻ. Việc chỉ đạo thực hiện chương trình sữa học đường chậm, qua giám sát cho thấy việc cho trẻ uống sữa tươi tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập còn rất ít (hầu hết cho trẻ uống 1 hoặc 2 lần/tuần vào các buổi chiều), có trường mầm non chưa tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường. Toàn tỉnh vẫn còn 6,6% trẻ nhà trẻ và 5,9% trẻ học mẫu giáo bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 7,2% trẻ nhà trẻ và 6,6% trẻ học mẫu giáo bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đặc biệt 2 huyện Lâm Bình, Na Hang tỷ lệ trẻ học mầm non bị suy dinh dưỡng cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của toàn tỉnh (huyện Lâm Bình tỷ lệ trẻ học mầm non suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 13,1%, thể thấp còi 17,4%; huyện Na Hang tỷ lệ trẻ học mầm non suy dinh dưỡng thể thấp còi 10,8%). Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, nhà công vụ cho giáo viên mầm non chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng; công tác quản lý giáo dục có mặt còn hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do chính quyền một số địa phương, đặc biệt cấp xã chưa nhận thức đúng, đủ và thực hiện hết trách nhiệm trong công tác giáo dục mầm non, có biểu hiện coi công tác huy động, giáo dục, chăm sóc trẻ mầm non là nhiệm vụ riêng của ngành Giáo dục. Số lượng người làm việc bậc học mầm non của toàn tỉnh được cấp có thẩm quyền giao chưa phù hợp với số lớp, học sinh hiện có. Việc bố trí lãnh đạo quản lý, giáo viên tại một số địa phương chưa hợp lý. Một bộ phận cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non chưa thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong quản lý, trong công tác chuyên môn. Kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn. Nhận thức của người dân về chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc cho con, cháu học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn hạn chế. Ngoài ra do địa hình của tỉnh chia cắt, một số xã giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung, số lượng điểm trường lẻ còn nhiều (559 điểm trường lẻ) nên ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý chất lượng giáo dục và công tác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, đồ chơi. Một số xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí và mức thu nhập chưa đồng đều nên ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp và việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Qua kết quả giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh: Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển mầm non ngoài công lập; nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ ở cả hai loại hình công lập và ngoài công lập. Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng tỷ lệ trẻ ăn trưa tại trường, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Có kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ chương trình sữa học đường đối với trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em trong tỉnh. Trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, tiếp tục rà soát việc bố trí cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường mầm non hiện nay, sắp xếp, bố trí đảm bảo phù hợp, giảm giáo viên công lập ở những vùng thuận lợi, ưu tiên bố trí giáo viên công lập cho các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn khó phát triển mầm non ngoài công lập. Cân đối, bố trí ngân sách và đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng đủ số phòng học, nhà bếp, công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho giáo viên và học sinh; bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho cấp học mầm non, nhất là các nhóm trẻ. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chuyên môn  thực hiện đẩy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh mầm non, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động chuyên môn, công tác quản lý tài chính trong các trường học.

Ban Văn hóa - Xã hội
Hội đồng nhân dân tinh

Tin cùng chuyên mục