Giám sát thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh - Những đổi mới cần thiết và hiệu quả

Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị, bằng nghị quyết được thông qua vào kỳ họp thường lệ cuối mỗi năm.

Thông thường, trước mỗi kỳ họp thường lệ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Đoàn giám sát, tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực mà Ban phụ trách. Cách thức thông lệ này dần bộc lộ nhiều bất cập, như địa điểm và thời gian giám sát, nội dung giám sát của Thường trực và các Ban có lúc bị trùng; lực lượng tham gia giám sát huy động đông cùng một lúc gây khó khăn về nhân lực và phương tiện; cơ sở phải làm việc với nhiều đoàn giám sát mà chủ thể giám sát khác nhau nhưng nội dung và mục đích đôi khi là một...

Từ thực trạng trên, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã liên tục có những đổi mới, cải tiến việc giám sát thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó tập trung vào ba vấn đề chính là nội dung giám sát, phương thức giám sát và tổ chức lực lượng giám sát. Về nội dung, bảo đảm toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, nhưng được xác định trọng tâm là giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, tập trung vào những chỉ tiêu cốt yếu, những vấn đề cụ thể, những khó khăn, nút thắt trên các lĩnh vực đang cần phải kịp thời tháo gỡ, bên cạnh đó là các kiến nghị của cử tri chậm được giải quyết,trả lời. Về phương thức, từ đề cương giám sát dàn trải theo lĩnh vực, đã tập hợp lại theo nhóm vấn đề trọng tâm; đối tượng giám sát từ diện rộng chuyển dần sang tập trung giám sát tại cơ sở, xã, phường và cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh, coi trọng hơn việc phát hiện, đánh giá những cách làm sáng tạo, hiệu quả; đối với UBND cấp huyện, chủ yếu giám sát qua báo cáo, chỉ làm việc trực tiếp với thời gian ngắn, thành phần gọn khi qua giám sát ở cơ sở có những vướng mắc cần phải làm rõ hoặc giải quyết ngay. Về tổ chức lực lượng giám sát, đã thực hiện việc kết hợp giám sát của Thường trực với giám sát của các Ban; Đoàn giám sát của Thường trực với thành viên là lãnh đạo các ban, khi làm việc tại cơ sở vừa giám sát các nội dung theo kế hoạch của Thường trực vừa giám sát các nội dung theo kế hoạch của Ban.

Với sự đổi mới, tích hợp nội dung, phương thức, lực lượng giám sát như nêu trên, đã mang lại chuyển biến rất tích cực về chất lượng, hiệu quả giám sát. Nếu trước đây, trong các cuộc giám sát này, UBND cấp huyện, cấp xã có thể trong một khoảng thời gian ngắn vừa phải làm việc với Đòan giám sát của Thường trực xong đã lại phải làm việc tiếp với Đoàn giám sát của Ban; ở cấp xã và một số cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh đôi lúc cũng chung tình trạng như vậy, đến nay chỉ còn một lần làm việc nhưng vẫn đáp ứng, giải quyết được đầy đủ yêu cầu giám sát của cả Thường trực HĐND tỉnh và của 4 Ban. Lực lượng tham gia các đoàn giám sát của Thường trực và của các Ban trước đây, do triển khai giám sát độc lập nên có lúc huy động gần như tổng lực toàn bộ đại biểu chuyên trách, lãnh đạo và chuyên viên văn phòng, nay được cơ cấu gọn nhẹ; thời gian giám sát cũng được rút ngắn đáng kể, thường mỗi đợt chỉ trên dưới một tuần, thay vì cho trên chục ngày, nửa tháng như trước đây. Từ chỗ đề cương báo cáo giám sát có dung lượng trên chục trang, với nhiều biểu mẫu phức tạp; báo cáo kết quả giám sát dung lượng trên dưới hai chục trang nhưng nhiều thông tin đã có trong báo cáo của xã, của huyện; đến nay đề cương giám sát và cả báo cáo kết quả giám sát chỉ có 5 đến 7 trang nhưng rất giàu thông tin thực tiễn về những ưu điểm, những hạn chế, có sức thuyết phục và giá trị sử dụng cao.

Trước kỳ họp thứ 8 vừa qua của Hội đồng nhân dân tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hai đoàn giám sát, mỗi đoàn gồm 5 người, thời gian giám sát 5 ngày, nhưng đã thực hiện giám sát được  tại 9 xã thuộc 5 huyện, thành phố; đề cương báo cáo giám sát 3 trang, nêu 9 vấn đề trọng tâm, kèm 03 biểu mẫu đơn giản. Kết thúc giám sát, báo cáo kết quả giám sát chỉ có 5 trang, nhưng phản ánh toàn diện, khách quan những kết quả chủ yếu đã đạt được, đồng thời phân tích, minh họa rất sinh động, thuyết phục 9 nhóm hạn chế, tồn tại với những kiến nghị, đề xuất cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Kết quả của đợt giám sát đã giúp ích rất nhiều cho các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh trong thẩm tra các báo của UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình kỳ họp; đồng thời là cơ sở để định hướng, gợi ý thảo luận cho đại biểu. Diễn biến phiên thảo luận và chất vấn tại kỳ họp cho thấy, 09 nhóm vấn đề trong tâm được Thường trực phối hợp với các Ban tiến hành giám sát đã được đại biểu nghiên cứu, sử dụng hiệu quả.

Có thể nói nội dung và kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 8 đã bao trùm được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh khá toàn diện, sắc nét thực tiễn việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng -  an ninh của tỉnh trong 6 tháng đầu năm và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục tháo gỡ, khắc phục trong 6 tháng cuối năm 2019. Thực tiễn trên cho thấy, sự tìm tòi, đổi mới là luôn cần thiết; đổi mới đúng cách luôn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương./.

Phạm Văn Loan

Tin cùng chuyên mục