Giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh

Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã bảo đảm thực hiện toàn diện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.

 Việc giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND là một hình thức giám sát hoàn toàn mới, lần đầu được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; bắt đầu được thực hiện trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thường trực HĐND tỉnh xác định tổ chức phiên giải trình là một hình thức giám sát của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp; là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Nội dung yêu cầu giải trình có thể là những vụ việc, vấn đề cụ thể hoặc rộng hơn là những vấn đề liên quan, bao quát chức năng nhiệm vụ của cả một ngành, một cơ quan, một lĩnh vực. Như vậy, phiên giải trình được coi gần như một cuộc rà soát, kiểm tra của Thường trực HĐND đối với cơ quan nhà nước cấp mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ nhận thức đó, tại phiên họp đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng chương trình hoạt động giám sát của mình, trong đó có kế hoạch tổ chức các phiên giải trình theo quy trình được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, làm cơ sở để chuẩn bị và tổ chức thực hiện.

Để tổ chức phiên giải trình đạt hiệu quả Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn nội dung giải trình là những vấn đề cấp bách, nổi cộm, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cử tri rất quan tâm. Cơ sở để lựa chọn chính là tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, phản ánh của công dân và kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Khảo sát và báo cáo kết quả khảo sát là một công đoạn rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả phiên giải trình, được thực hiện trên diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Các Ban của HĐND tỉnh theo phân công của Thường trực; sau khi tiến hành khảo sát có báo cáo tình hình bằng văn bản, một số cuộc có kèm băng ghi hình minh họa, đề xuất các nội dung giải trình và các ngành, các cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo về các vấn đề giải trình gửi Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp  từ 5 - 7 ngày; đồng thời giao cho các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu Thường trực HĐND tỉnh xây dựng chương trình cụ thể cho từng nội dung giải trình. Báo cáo kết quả khảo sát, báo cáo giải trình và các tài liệu liên quan được gửi trước cho các thành phần tham gia phiên giải trình.

Các phiên giải trình được tiến hành đúng theo trình tự Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong điều hành phiên giải trình, Chủ tọa luôn chú ý bảo đảm các yêu cầu cơ bản là khoa học, linh hoạt, dân chủ, phát huy trách nhiệm của đại biểu cũng như người giải trình. Yêu cầu giải trình ngắn gọn, trực tiếp vào vấn đề. Báo cáo giải trình trung thực, sát đúng yêu cầu giải trình, rõ nguyên nhân, trách nhiệm; Kết luận giải trình cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời hạn thực hiện, phân công trách nhiệm giám sát của các Ban HĐND tỉnh. Sau phiên giải trình, kết luận giải trình được gửi tới các cơ quan liên quan và đại biểu HĐND tỉnh. Các phiên giải trình được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 06 phiên giải trình về các vấn đề: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội; việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh; 02 phiên về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị của công dân trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện khảo sát trên địa bàn 07 huyện, thành phố. Có 10 lượt đại biểu nêu yêu cầu giải trình. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 05 nhóm vần đề. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh đã cấp được 528.564 giấy chứng nhận với diện tích 259.089,7ha/277.242,3ha diện tích cần cấp đạt 93,5%. Việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ban Kinh tế - Ngân sách đã khảo sát việc triển khai thực hiện 06 nghị quyết tại một số sở, ngành, 04 huyện, yêu cầu giải trình 07 vấn đề của 04 nghị quyết. Có 16 lượt đại biểu nêu yêu cầu giải trình. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 07 nhóm vấn đề. Đến nay, ngành chức năng đã tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi; chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; sửa đổi, bổ sung hướng dẫn liên ngành để thực hiện nghị quyết; 42 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã thực hiện khảo sát đối với 18 cơ quan, đơn vị là các sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh. Có 13 lượt đại biểu nêu yêu cầu giải trình. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 06 nhóm vấn đề. Đến nay, tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 97%. Công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội đã được các cấp tăng cường, đẩy mạnh, việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp được hạn chế; không còn tình trạng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị phạt do chậm đóng BHXH cho người lao động.

Về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc đã tiến hành khảo sát 16 công trình tại 14 xã của 6 huyện trên địa bàn tỉnh, báo cáo khảo sát bằng hình ảnh tại phiên giải trình. Có 13 lượt đại biểu nêu yêu cầu giải trình. Kết luận giải trình yêu cầu thực hiện 07 nhóm vấn đề. Đến nay, các vấn đề kết luận tại phiên giải trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công trình cấp nước tập trung và có phương án xử lý, khắc phục đối với từng công trình để đảm bảo mục tiêu đủ nguồn nước, nước hợp vệ sinh đạt tiêu chuẩn theo quy định phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân....

Để tổ chức hai phiên nghe giải trình về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, Ban Pháp chế đã khảo sát tại 6 huyện, thành phố với hơn 100 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị của công dân. Qua khảo sát đã lựa chọn 10 vụ việc giải trình trong hai phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Có 36 lượt đại biểu nêu yêu cầu giải trình. Thường trực HĐND tỉnh ban hành 10 thông báo kết luận làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Đến nay 2/3 số vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, có những vụ việc đã được khắc phục ngay trước khi diễn ra phiên giải trình.

Bước đầu, hoạt động giải trình đã có những tác động tích cực. Qua các phiên giải trình đã làm rõ thực trạng hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị; nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp khắc phục và thời hạn giải quyết đối với các vấn đề, vụ việc cụ thể trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua giải trình, các cơ quan, đơn vị đã nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi chức năng nhiệm vụ. Đồng thời, kết quả các phiên họp nghe giải trình là một kênh thông tin quan trọng, làm cơ sở cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quyết định nhiều chủ trương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đó là: Việc xác định đối tượng yêu cầu giải trình trong một số trường hợp còn lúng túng; đại biểu HĐND tham gia yêu cầu giải trình còn ít, chủ yếu mới là đại biểu chuyên trách. Việc thực hiện một số kết luận giải trình còn chậm so với thời hạn yêu cầu, còn có những nội dung chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện các cam kết sau phiên giải trình còn thiếu kịp thời, chưa sâu sát...

Từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng phiên giải trình cần phải thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của hoạt động giải trình, các quy định của pháp luật liên quan để cụ thể hóa thành những quy trình cụ thể, chi tiết và quyết tâm cao trong thực hiện. Phát huy vai trò của các Ban và Văn phòng HĐND, của đại biểu chuyên trách trong chuẩn bị, tổ chức phiên giải trình. Yêu cầu cơ quan, người giải trình phải có tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về lĩnh vực, nội dung mình phụ trách.

Hai là, lựa chọn đúng, trúng nội dung yêu cầu giải trình, người giải trình. Có kế hoạch thực hiện cụ thể; coi trọng việc khảo sát, nắm bắt thông tin và báo cáo đầy đủ, chính xác tình hình thực hiện nội dung giải trình đã lựa chọn, theo phương châm khảo sát sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Báo cáo khảo sát bằng văn bản và hình ảnh được gửi sớm cho các thành phần tham gia phiên giải trình. Báo cáo của cơ quan, người giải trình phải bảo đảm thời gian và yêu cầu về nội dung.

Ba là, điều hành phiên họp giải trình phải có kịch bản cụ thể, theo đúng trình tự quy định tại Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; nắm chắc và sâu sát từng nội dung, vấn đề, lĩnh vực; phát huy dân chủ trong yêu cầu giải trình và giải trình. Nội dung kết luận tại phiên họp rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, gắn với hoạt động giám sát để tăng tính hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ lộ trình, giải pháp thực hiện. Cá nhân đại biểu HĐND tham gia phiên giải trình phải phát huy trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của mình.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát thực hiện các kết luận giải trình; làm tốt công tác tuyên truyền về tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua đó lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân và cử tri. Qua đó, vừa phát huy vai trò giám sát của người dân, vừa gắn trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh, phát huy tác động, hiệu quả phiên giải trình./.

Phạm Thị Minh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

Tin cùng chuyên mục