Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về các dự án Luật

Sáng ngày 02/11/2022 Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì họp Tổ đại biểu gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Cà Mau, Tuyên Quang.


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 4 có 07 Chương, 80 Điều. So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, đã bổ sung mới 29 điều, khoản, sửa đổi 49 điều, khoản, chỉ giữ nguyên 02 Điều khoản. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời khắc phục khó khăn, hạn chế phát sinh qua hơn 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý tham gia ý kiến.

Các đại biểu đề nghị xem xét bổ sung “tổ chức” vào đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, vì trong thực tế “người tiêu dùng” không chỉ là cá nhân mà trong thực tế tổ chức cũng tham gia mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt, không vì mục đích thương mại; nghiên cứu bổ sung người nghèo, người cao tuổi vào đối tượng dễ bị tổn thương; có chính sách cụ thể để người tiêu dung tiếp cận hàng hóa dịch vụ; tư vấn cho người tiêu dùng; giải quyết giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm; quy định cụ thể công khai đánh giá về sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng; giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không bảo đảm tác dụng, công năng là sản phẩm hàng hóa khuyết tật; bổ sung nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện trong giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ; bổ sung quyền của người tiêu dùng bảo đảm được sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt nhất như cam kết; bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật; quy định rõ thời hạn giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng đối với cơ quan có thẩm quyền. 


Đại biểu Lò Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.

Đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các ý kiến tham gia góp ý cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng, bảo đảm an toàn, tin cậy.

Bên cạnh đó đại biểu cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử”. Quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; bổ sung tài khoản định danh điện tử vào đối tượng nghiêm cấm gian lận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép; đồng thời các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi nhiều từ, cụm từ tại các điều luật để đảm bảo chặt chẽ./.

Đỗ Dũng

Tin cùng chuyên mục