Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong ngày làm việc thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, hôm nay 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Thống kê và thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Video không hợp lệ

Dự họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm và các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật cần làm rõ hơn phạm vi áp dụng từng sản phẩm về bảo hiểm bắt buộc; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh bảo hiểm; việc mở rộng đối tượng kinh doanh bảo hiểm đến cấp xã, các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải đảm bảo các yêu cầu an ninh, an toàn thông tin mạng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tăng cường công tác quản lý rủi ro, nghiên cứu hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt, tránh xảy ra hiện tượng trục lợi bảo hiểm.


Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy thảo luận trực tuyến

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đồng chí Ma Thị Thuý, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Luật, để tạo cơ sở pháp lý quan trọng xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia và chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là công cụ quan trọng cung cấp thông tin thống kê phục vụ quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, tham gia góp ý vào một số nội dung cụ thể tại Điều 2 (Ban hành kèm theo Luật này Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia), cụ thể:

Nhóm chỉ tiêu 01 (Đất đai, dân số): đại biểu đề nghị đưa nhóm các chỉ tiêu về Dân số sang Nhóm 02 (Lao động, việc làm và bình đẳng giới) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và sự quan hệ logic, khoa học giữa các nhóm chỉ tiêu này; đề nghị bổ sung thêm một số chỉ tiêu về Đất đai như: Diện tích và cơ cấu mặt nước; Diện tích và cơ cấu đất ở đô thị; Diện tích và cơ cấu đất nông thôn; Diện tích và cơ cấu đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, đại biểu cho rằng dự thảo đưa chỉ tiêu số 0114 “tỷ lệ đô thị hóa” vào nhóm đất đai và dân số là không phù hợp, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét chuyển sang nhóm đầu tư và xây dựng, như vậy sẽ phù hợp hơn vì đô thị hóa thuộc nhiệm vụ của ngành Xây dựng.

Nhóm chỉ tiêu 02 (Lao động, việc làm và bình đẳng giới): Đề nghị bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, do hiện nay Hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc và đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm đều có chỉ tiêu này; đề nghị xem xét bổ sung thêm một số chỉ tiêu như: Số lượng và tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực; Số lượng và tỷ lệ nam giới bị bạo lực; Số lượng và tỷ lệ trẻ em gái bị bạo lực; Số lượng và tỷ lệ trẻ em nam bị bạo lực vào dự thảo Luật với lý do hiện nay tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại, bạo lực trẻ em ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc gây ảnh hưởng và tạo dư luận xấu trong xã hội, vì vậy cần phải có những chỉ tiêu thống kê các chỉ tiêu này để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan có cơ sở để xây dựng các cơ chế chính sách và thực thi chính sách có liên quan.

Về Nhóm chỉ tiêu 07 (Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán): Đề nghị sửa đổi bổ sung lại chỉ tiêu thứ tự 82 để đảm bảo tính khoa học, logic, tính lâu dài, bền vững của các chỉ tiêu này trong tương lai.

Nhóm chỉ tiêu 15 (Giáo dục): Đề nghị sửa tên nhóm thành “Giáo dục, đào tạo” vì trong nhóm này có quy định chỉ tiêu “Số sinh viên đại học trên mười nghìn dân” để phản ánh đầy đủ theo cấp học từ phổ thông đến đại học; đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm tại sao chỉ có 4 chỉ tiêu về giáo dục và chủ yếu là chỉ tiêu về giáo dục phổ thông? đồng thời, đề nghị bổ sung thêm 9 chỉ tiêu, gồm: Tỷ lệ học sinh tham gia giáo dục nghề nghiệp; Số học sinh học nghề bình quân trên 01 giáo viên; Số lượng sinh viên bình quân trên 01 giảng viên; Số lượng và cơ cấu giáo viên mần non; Số lượng và cơ cấu giáo viên tiểu học; Số lượng và cơ cấu giáo viên THCS; Số lượng và cơ cấu giáo viên THPT; Số lượng và cơ cấu giáo viên giáo dục nghề nghiệp; Số lượng và cơ cấu giảng viên đại học

Tại nhóm 18 (Mức sống dân cư): Đề nghị nên có chỉ tiêu về thu nhập dân cư bình quân đầu người/năm; đề nghị cần phân định hai loại chỉ tiêu về nước sạch và nước hợp vệ sinh, đó là Chỉ tiêu tỷ lệ dân số (đô thị và nông thôn) sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó, có tỷ lệ do nguồn cung cấp tập trung bảo đảm quy chuẩn và tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh bảo đảm quy chuẩn do hộ gia đình tự xử lý…

Chỉ tiêu “Tỷ lệ dân số bị bạo lực” (mã số 1908, nhóm 19. Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp): Đề nghị bổ sung phân theo nhóm tuổi, giới tính để bảo đảm phản ánh các nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em.

Ngày mai, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.

Tin: Phòng Công tác Quốc hội
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục