Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận tại Hội nghị mở rộng của Thường trực Hội đồng Dân tộc

Sáng 05-4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc họp mở rộng thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Phiên họp.

Tham gia Phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ủy viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương.


Các đại biểu dự Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, tại nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 120, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình này có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhận được sự đồng tình và đón nhận của nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người yếu thế. Việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được Đảng lãnh đạo, Quốc hội đồng hành, giám sát, Chính phủ điều hành quyết liệt và nhân dân tham gia, ủng hộ đã tạo được một số kết quả nhất định…

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tham dự Phiên họp này tập trung, bám sát gợi ý thảo luận, phát biểu cho ý kiến vào các vấn đề chính được nêu tại tờ trình số 105, báo cáo số 106, ngày 15/03/2024 của Chính phủ, đề xuất bổ sung đối tượng thực hiện chương trình, cho ý kiến về sự cần thiết về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn,…


Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý phát biểu tại Hội nghị.

Tham gia thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh băn khoăn, việc đề xuất bổ sung hoàn toàn mới đối tượng so với qui định của Nghị quyết số 88/QH14 với kinh phí dự kiến 18.831 tỷ đồng nhưng vẫn bảo đảm không làm tăng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn so với trường hợp nếu không bổ sung đối tượng thì số vốn này đã được phê duyệt cho các đối tượng nào? Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do không tiếp tục đầu tư cho các đối tượng đó.

Liên quan đến việc bổ sung mở rộng đối tượng là hợp lý nhất là bổ sung các trường phổ thông Dân tộc nội trú không nằm trên địa bàn, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào Dân tộc thiểu số nhưng phần đa là các con em ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số. Vì vậy việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho các Trường phổ thông Dân tộc nội trú là rất cần thiết, đồng chí đề xuất bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng để được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như các trường Cao đẳng nghề cũng như Trung cấp nghề, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các huyện. Đề nghị Chính phủ cần cân nhắc tính khả thi của đề xuất điều chỉnh cũng như khả năng giải ngân nguồn vốn mới được Quốc hội thông qua. Vì theo tờ trình của Chính phủ dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nếu như được Quốc hội thông qua, thời gian thực hiện chỉ còn hơn một năm. Trong khi đó đối tượng thực hiện liên quan đến nhiều Bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan cần rất nhiều thời gian ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, do vậy khi Quốc hội thông qua thì đến bao giờ mới thực hiện được.

Hiện nay còn hai nội dung chưa rõ ràng về dược liệu thuộc dự án 3 không có định mức kinh tế, kỹ thuật của cây dược liệu qúy để lập phê duyệt dự án, đề nghị Bộ Y tế có qui định cụ thể; các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thuộc tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 không thuộc đối tượng thực hiện của Dự án, trong đó thực tế ở địa phương vẫn đang triển khai hoạt động dạy nghề ngắn hạn, đề nghị Bộ Lao động, thương binh và Xã hội tháo gỡ nội dung này.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng đã hoàn thành chương trình đề ra, đã nghe các ý kiến của các đại biểu, tham gia đều rất thẳng thắn, giá trị, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề trong Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhất là 02 đề xuất về bổ sung đối tượng thực hiện và bổ sung cơ chế phân bổ, giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan cũng đã có thêm ý kiến giải trình về các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan; các bộ phận giúp việc, phối hợp chặt chẽ hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục liên quan để Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục