Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 21/10, Tổ đại biểu Quốc hội số 59 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu dự điểm cầu trực tuyến tại tỉnh Tuyên Quang chiều ngày 21/10

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu đồng tình với tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật. Việc xây dựng, ban hành dự án Luật là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật với các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đề nghị cần làm rõ tính tương thích của dự án Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại; về đăng ký chỉ dẫn địa lý… Đối với quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng quy định trong dự thảo còn trừu tượng, chưa được rõ, như vậy sẽ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, do đó đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ hơn tỷ lệ kinh phí từ bao nhiêu phần trăm trở lên thì tổ chức chủ trì mới có quyền đăng ký.

Thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời để phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Về phạm vi hoạt động, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù, thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thể hiện vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt có vai trò nòng cốt có nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp vũ trang; có vai trò chuyên trách, tinh nhuệ, hiện đại trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

Đối với các nội dung cụ thể của dự án Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát cơ động khi thực hiện các nhiệm vụ: Cứu người và phương tiện đang gặp nguy hiểm; Vô hiệu hóa các vũ khí, phương tiện, vật liệu cháy nổ đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện và môi trường; Tạm giữ khẩn cấp người và phương tiện tham gia phạm pháp có dấu hiệu tội phạm đang có nguy cơ bỏ trốn khỏi hiện trường. Vì đối với những loại hình công việc trên, Cảnh sát cơ động luôn là lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đầu tiên được huy động tới hiện trường.

Về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị lựa chọn Phương án 1 với lý do Quy định như phương án 1 sẽ giúp cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện được chủ động, linh hoạt hơn. Việc giao Bộ Công an quy định chi tiết về Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định, lâu dài của văn bản Luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị bổ sung quy định để làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách, như: Trường hợp nào được hiểu là cấp bách, tính chất, mức độ, phạm vi huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động. Vì, việc huy động người, phương tiện, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là nội dung liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền về tài sản, do đó cần hết sức thận trọng. /.

Phòng Công tác Quốc hội

Tin cùng chuyên mục