Phát huy thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị

Mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định, nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân trên 4%/năm. Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng nhãn hiệu, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Phát huy giá trị thương hiệu

Các sản phẩm rau, củ, quả được trồng, chăm sóc theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc từ cuối năm 2018. Sau hơn một năm gia nhập thị trường, đây được coi là một trong những nông sản có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, một phần nhờ giá cả, quan trọng hơn là an toàn. Những ngày đầu tháng 11, các sản phẩm rau, củ, quả của đơn vị này đã ký hợp đồng cung ứng với Siêu thị Tuyên Quang, giúp người tiêu dùng có thêm địa chỉ lựa chọn sản phẩm sạch, an toàn. Chị Hồ Thị Phương Thanh, nhân viên phụ trách gian hàng thực phẩm tại Siêu thị Tuyên Quang cho biết, mặc dù sản phẩm mới đưa vào siêu thị nhưng phản hồi từ người tiêu dùng rất tích cực, một phần nhờ chất lượng, một phần nhờ giá cả sản phẩm không chênh lệch nhiều so với giá các loại rau khác ngoài thị trường.


Sản phẩm rau, củ, quả thủy canh của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm bày bán tại
Siêu thị Tuyên Quang.

Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm cho biết, sau một thời gian đi vào sản xuất, nhận thấy cơ hội cho các sản phẩm rau củ quả thủy canh rộng mở, đơn vị đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thêm 1.000 m2 chuyên về các loại quả, như dưa lưới, dưa chuột… Ngoài bán lẻ, hiện Công ty đã có các cửa hàng bán lẻ tại khu vực thị trấn Sơn Dương, thành phố Thái Nguyên và Siêu thị Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành đã thực hiện đồng bộ 11 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và các thành phần kinh tế; đồng thời tỉnh đã cân đối gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thực hiện các chính sách; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách kích cầu kinh tế nông nghiệp như: Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế trang trại; Nghị quyết 12 về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết 05 về khuyến khích phát triển các Hợp tác xã nông lâm nghiệp; Nghị quyết 03 hỗ trợ xây dựng một số công trình công cộng, trong đó có đường vào vùng sản xuất hàng hoá và kênh mương nội đồng; Nghị quyết số 02 chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang... Nhờ các chính sách kích cầu, Tuyên Quang hiện có 47 nông sản được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có 40 cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều nông sản sau khi có nhãn hiệu đã thực sự phát huy được hiệu quả, khi được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào là một ví dụ. Sau nhiều năm loay hoay với câu chuyện thị trường, ngay sau khi sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc, Giám đốc Hợp tác xã Triệu Sinh Tiến đăng ký với Trung tâm Xúc tiến đầu tư đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại và được người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố rất ưa chuộng. Ông Tiến chia sẻ, mỗi kỳ hội chợ, đơn vị thường xuất bán được ít nhất hơn 100 chai mật ong. Hiện, ngoài mật ong, Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào đang tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm phấn hoa và xây dựng các giải pháp để đưa sản phẩm này tiếp cận thị trường.

Không chỉ trợ lực về mặt chính sách, các nông sản sau khi có nhãn hiệu được ngành nông nghiệp hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị đã kết nối các đơn vị sản xuất trong tỉnh với nhiều siêu thị để đưa sản phẩm vào bày bán, giới thiệu. Hiện, cùng với sản phẩm rau quả thủy canh của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, Siêu thị Tuyên Quang đang bày bán, giới thiệu một số sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh như Chè Tân Trào, Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, Chè Kia - tăng… Siêu thị Vinmart cũng đã ký hợp đồng, bày bán các sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Tân Hợp (Hồng Thái). Đây là những tín hiệu tích cực sau một thời gian tỉnh tập trung chuyên canh hóa các vùng sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và các thủ tục khác liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thực hiện mô hình liên kết sản xuất nuôi trâu, bò thịt theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2017-2019, Hợp tác xã này đã cung ứng 2.345 con trâu, bò cho 20 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Trong đó riêng trong 9 tháng năm 2019, đã thực hiện cung ứng 1.438 con trâu, bò thịt để vỗ béo, trong đó có 894 con trâu và 544 con bò. Sau thời gian nuôi vỗ béo từ 2,5 đến 3 tháng, trừ chi phí lãi bình quân 4-5 triệu đồng/con trâu và 2,5-3 triệu đồng/con bò. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện nay ngoài việc thu mua sản phẩm hơi để xuất khẩu, Hợp tác xã cũng đã liên kết với Hợp tác xã Liên Hiệp (thành phố Tuyên Quang) để chế biến sản phẩm thịt trâu, bò khô. Đồng thời, đơn vị này cũng tìm kiếm địa điểm xây dựng các điểm bán, cung cấp sản phẩm thịt trâu, bò tươi cho người tiêu dùng. Đây là bước đi cần thiết, góp phần giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Chuỗi liên kết sản xuất chè hiện cũng được đánh giá là một trong những chuỗi sản xuất bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều công ty chè thực hiện mô hình liên doanh với người dân để cung cấp sản phẩm chè búp tươi, phục vụ xuất khẩu, như Công ty cổ phần chè Tân Trào, Công ty cổ phần chè Sông Lô, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm… Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến nhỏ, các hợp tác xã cũng thực hiện liên kết với các hộ trồng chè để có đủ sản lượng chế biến.

Đội sản xuất chè tại các thôn 2, 5, 10, 15, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) nhiều năm nay liên doanh với Công ty cổ phần chè Sông Lô chăm sóc hơn 30 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, với giá thu mua bình quân 5.800 đồng/kg, cao hơn chè sản xuất theo phương pháp thông thường 2.600 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Trường, Đội trưởng đội sản xuất cho biết, liên doanh với doanh nghiệp có nhiều lợi ích. Cây giống, phân bón, chế phẩm sinh học… được doanh nghiệp hỗ trợ; sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ; các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được cập nhật và hỗ trợ thường xuyên… Tại Đội sản xuất này, đã có hơn 17 ha được Công ty cổ phần chè Sông Lô hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống tưới nước tự động, góp phần nâng cao năng suất chè búp tươi mỗi vụ lên ít nhất 15%.


Chuỗi liên kết chăn nuôi trâu của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Như chuỗi liên kết sản xuất, chăn nuôi trâu bò thịt; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến chè; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc hàng hóa; chuỗi liên kết sản xuất, nuôi trồng thủy sản… Các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực phát triển mạnh và có sự chuyển biến theo xu hướng sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó vùng cam trên 7,6 nghìn ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 311,7ha; vùng chè trên 8,5 nghìn ha, trong đó chè sản xuất theo tiêu chuan VietGAP và sản xuất nông nghiệp bền vững là 775 ha; vùng lạc trên 4,3 nghìn ha; vùng mía nguyên liệu trên 8 nghìn ha.

Để tiếp tục hình thành các chuỗi giá trị bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện một số mô hình như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía tại Chiêm Hóa, Sơn Dương; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lạc tại Chiêm Hóa; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại Yên Sơn…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho rằng, để quản lý nhãn hiệu nông sản, phát triển các chuỗi giá trị, cần củng cố, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông lâm nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 260 hợp tác xã nông lâm nghiệp hoạt động. Hầu hết các nông sản đăng ký nhãn hiệu, các chuỗi liên kết sản xuất đều do các hợp tác xã quản lý và thực hiện. Trong năm còn lại của nhiệm kỳ và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu các nông sản mới và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

Sau gần một nhiệm kỳ, nông sản chủ lực đã chiếm lĩnh thị trường, chuỗi liên kết sản xuất bền chặt và ngày càng mở rộng… Giấc mơ nông sản xuất khẩu đang dần gần lại, khi ngành nông nghiệp tỉnh đã có những bước đi phù hợp, từ thay đổi cách thức sản xuất đến xúc tiến, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức khác nhau.

Ngô Hùng

Tin cùng chuyên mục