Chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 5.867 km2, có 6 huyện và 1 thành phố, 141 xã, phường, thị trấn, 2.096 thôn, bản, tổ nhân dân; trong đó có 61 xã, 699 thôn bản đặc biệt khó khăn. Dân số có trên 773 nghìn người, có 22 dân tộc (trong đó dân tộc Kinh 46%, Tày 26%, Dao 13%, Sán Cháy 8%, Mông 2,6%, Nùng 2,1% Sán Dìu 1,8% còn lại là các dân tộc khác).

Tuyên Quang là địa danh giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, là Thủ đô Khu giải phóng, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã ở và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi; là Thủ đô Kháng chiến, nơi Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; là mảnh đất mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo, phong phú của 22 dân tộc.


Ảnh minh họa: Internet

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến công tác dân tộc, các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, toàn diện, từ việc đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội cho đến công tác giáo dục, y tế, văn hóa,...; trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số dần được nâng lên; diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi đáng kể, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh việc triển khai thực hiện những cơ chế chính sách phát triển kinh tế xã hội, các chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 1995, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; năm 2001 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2003 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, năm 2013 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Hàng năm, tỉnh đều duy trì kết quả phổ cập giáo dục các bậc học. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm và tạo điều kiện phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo, phát triển trí lực cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 trường phổ thông dân tộc nội trú, 16 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở; năm 2015 tỉnh đã chỉ đạo mở thêm khoa Dân tộc nội trú tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang để tạo điều kiện cho con em các dân tộc trong tỉnh tham gia học nghề. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án cơ chế đặc thù trong tạo nguồn cán bộ, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để tổ chức thực hiện.

Tỉnh đã quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ngành y tế nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Cơ bản đáp ứng được các điều kiện thực hiện mục tiêu nâng cao thể lực của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về: Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, nâng tuổi thọ bình quân, nâng thể trạng, tầm vóc, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi. Toàn tỉnh hiện có 7.843/20.163 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 38,9% tổng số CBCCVC của tỉnh, trong đó: Cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ cấp tỉnh có trình độ cao đẳng, đại học trở lên 1.379 người, chiếm 85,7% (tăng 7,92% so với năm 2009); có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 949 người, chiếm 60,1% (tăng 8,2% so với năm 2009). Cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nghiên cứu tổng hợp, nghiệp vụ cấp huyện có trình độ cao đẳng, đại học trở lên 1.066 người, chiếm 92,13% (tăng 39,35% so với năm 2009); có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 849 người, chiếm 73,38% (tăng 10,84 % so với năm 2009). Cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên 2.287 người, chiếm 98,26% (tăng 25,68% so với năm 2009); có trình độ cao đẳng, đại học trở lên 1.799 người, chiếm 61,23% (tăng 345,3% so với năm 2009); có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 1.827 chiếm 62,18% (tăng 50,37% so với năm 2009).

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cán bộ hàng năm được tỉnh thực hiện đúng quy định, lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trẻ luôn được quan tâm gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ; cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là 22 người (08 nữ, 14 nam) chiếm tỷ lệ 43,1%; có 31/59 đại biểu HĐND tỉnh (16 nữ, 15 nam) là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 52,5%. Việc thực hiện chính sách cử tuyển đối với con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện thường xuyên, sau khi tốt nghiệp được quan tâm tiếp nhận, sử dụng xét tuyển vào vị trí việc làm phù hợp.

Với tỷ lệ trên 54% dân số trên địa bàn tỉnh là người dân tộc thiểu số, Tuyên Quang luôn xác định việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác dân tộc, vì vậy trong thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Phát triển quy mô mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong các trường chuyên biệt; đảm bảo chất lượng dạy tiếng việt và tiếng dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Củng cố và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đối với người dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực khoa Dân tộc nội trú đối với Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia học nghề. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao thể lực ở người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương về công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số, nhằm tạo sự cân đối, thu hẹp khoảng cách về nguồn nhân lực giữa các vùng miền và giữa các dân tộc.

Từ thực tế tổ chức thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Tuyên Quang rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp về công tác dân tộc; quan tâm thực hiện các chính sách cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy chính quyền quan tâm đến công tác dân tộc thì ở đó người đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tự giác học tập vươn lên trong cuộc sống.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nội dung liên quan đến giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, với phương châm phát triển nguồn nhân lực đi đôi với việc thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ba là, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đây là lực lượng tiêu biểu nòng cốt luôn được đồng bào dân tộc thiểu số nghe theo. Thực hiện tốt công tác dân vận, thường xuyên đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tổ chức có hiệu quả các chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, quan tâm thực hiện tốt công tác cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số ngoài kiến thức về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đòi hỏi có thêm những kiến thức về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tâm lý dân tộc, tôn giáo thì dễ tiếp cận, nắm bắt tâm tư tình cảm của đồng bào dân tộc để tổ chức thực hiện tốt các chính sách ở địa phương. 

Năm là, triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh; tập trung nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thực hiện tốt các chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã kiến nghị với Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các văn bản sau:

Đối với Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đề nghị sửa đổi về đối tượng cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chỉ tuyển đối với dân tộc rất ít người theo nhu cầu sử dụng và vị trí việc làm của địa phương có kết quả học tập của các cấp học phổ thông đạt từ khá trở lên. 

Đối với Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đề nghị bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và tiền gạo cho học viên chương trình giáo dục thường xuyên ở xã, thôn đặc biệt khó khăn là người dân tộc thiểu số, hoặc người kinh con hộ nghèo theo học chương trình GDTX kết hợp đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp tại các trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở đào tạo nghề như đối với học sinh THPT, tạo sự công bằng giữa học sinh học phổ thông và GDTX, góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động qua đào tạo cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi./.

Phạm Thị Minh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục