Tóm tắt nội dung và việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV họp từ ngày 21/10/2019 đến ngày 27/11/2019 đã thông qua 11 luật và 17 nghị quyết. Các luật, nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính; bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm công khai, minh bạch; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

09 luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, 02 luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Nội dung chính của các luật và một số nghị quyết như sau:

Bộ luật Lao động (sửa đổi), gồm 17 chương và 220 điều bổ sung nhiểu quy định mới đối với người lao động và người sử dụng lao động như: Lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Bổ sung một ngày nghỉ liền kề với ngày Quốc khánh 02/9 hưởng nguyên lương đối với người lao động; các trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương. Quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên; bổ sung quy định trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động. Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; người sử dụng lao động được quyền ký kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với lao động cao tuổi và lao động là người nước ngoài. Quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động bằng việc có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa các bên; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Luật Chứng khoán được sửa đổi, gồm 10 chương, 134 điều quy định nhiều nội dung mới quan trọng, để góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Luật Dân quân tự vệ, gồm 8 chương và 50 điều, trong đó đã sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn, bấp cập trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009, nhất là những quy định về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ; cụ thể hóa về quyền con người, quyền công dân có liên quan đến dân quân tự vệ được quy định tại Hiến pháp và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

 Luật Lực lượng dự bị động viên, gồm 05 chương, 41 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Nội dung Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996. Đồng thời, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới, trong đó có lực lượng dự bị động viên; thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, về xây dựng lực lượng dự bị động viên; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số quy định khác liên quan đến lực lượng dự bị động viên, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, gồm 8 chương, 52 điều, quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua. Về thủ tục hành chính đã có nhiều cải cách, đổi mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu, như đối với công dân từ đử 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử; mọi công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại công an cấp tỉnh nơi thuận lợi; trường hợp hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu có yêu cầu sẽ được khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Luật Thư viện, gồm 6 chương, 51 điều nhằm tạo hành lang pháp lý, điều chỉnh hoạt động thư viện, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của người dân, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật đã sửa đổi, bổ sung 05 Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38 Điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, chính quyền địa phương; sửa đổi quy định về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính theo hướng linh hoạt hơn đối với việc xác định mô hình chính quyền đô thị, chính quyền tại hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; sửa đổi quy định về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số lượng Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; sửa đổi một số quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, UBND; quy định về nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật đã sửa đổi, bổ sung 19 điều, bãi bỏ 01 điểm của Luật Cán bộ, công chức và sửa đổi, bổ sung 11 điều của Luật Viên chức, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật đã bổ sung 03 điều mới, sửa đổi các nội dung tại 11 điều của Luật hiện hành và sửa đổi một số nội dung của Luật Tố tụng hành chính để bảo đảm triển khai thi hành Luật Kiểm toán nhà nước. Tạo căn cứ pháp lý để xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra, tránh phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, làm rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán; làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Kiểm toán nhà nước, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật đã sửa đổi 17 điều, bổ sung 03 điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hiện hành, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh và khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/ 2020.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ “vũ khí quân dụng” để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, phù hợp với yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Sau khi Luật có hiệu lực, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng sẽ bị xem xét, xử lý hình sự theo quy định của Điều 304 Bộ luật Hình sự, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Trong các nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp, có nghị quyết liên quan trực tiếp đến địa phương, cơ sở và nhân dân như: Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội... 

Sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV bế mạc, đại biểu dân cử ở địa phương trực tiếp là các đại biểu Quốc hội trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến cử tri nội dung chủ yếu của các luật, nghị quyết nêu trên tại các cuộc các cuộc tiếp xúc cử tri và qua các hoạt động đại biểu ở địa phương.

Thực hiện quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 19/3/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản số 745/UBND-NC gửi đến Ủy ban MTTQ tỉnh; các tổ chức chính tri - xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố để triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết nêu trên. UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn đã có các chương trình, kế hoạch tuyên truyền phổ biến theo chức năng, lĩnh vực phụ trách bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm nguyên tắc về phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là: Chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực; kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của địa phương và đời sống hằng ngày của người dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội.

Với trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp, các ngành sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và việc chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức ở địa phương.

Ma Việt Dũng
Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục