Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XIX
Cử tri Xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đề nghị:

Kiểm tra, giải quyết việc khai thác Mỏ đá Tân Lập của Công ty TNHH Hiệp Phú. Cử tri phản ánh quá trình khai thác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, chính quyền và người dân đã làm việc với lãnh đạo công ty nhưng đến nay chưa khắc phục được tình trạng trên

TRẢ LỜI:

Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phú được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản khai thác đá vôi bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại mỏ đá vôi Tân Lập, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; với diện tích khu vực khai thác 5,6 ha, công suất khai thác 100.000m3/năm, thời gian khai thác 16 năm.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 24/02/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, các sở: Xây dựng, Công Thương, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn, đơn vị liên quan kiểm tra mỏ đá vôi Tân Lập. Kết quả kiểm tra như sau:

- Việc thỏa thuận đền bù, chuyển nhượng phần diện tích của các hộ dân do chịu ảnh hưởng hoạt động khai thác sản xuất tại mỏ đá vẫn chưa được thống nhất vì người dân cho rằng giá đền bù, chuyển nhượng phía công ty đưa ra còn quá thấp. Hiện nay, Công ty đã thực hiện thỏa thuận về sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai với 08/10 chủ sử dụng đất trong diện tích 5,6ha khai thác mỏ. Công ty đã đưa ra các mức đền bù về đất và tài sản cao hơn đơn giá thu hồi đất của tỉnh, tuy nhiên còn 02 chủ sử dụng đất chưa nhất trí. Công ty tiếp tục các công việc để thực hiện thỏa thuận với 02 chủ sử dụng đất còn lại để hoàn thiện các quy định.

- Quá trình sử dụng mìn bắn nổ phá đá đã gây ra dư chấn làm rạn nứt công trình kiến trúc nhà ở và khói bụi bay vào khu dân cư, đá bay xuống ruộng, đá bay vào đất canh tác khác gây thiệt hại về tài sản cây trồng của các hộ dân xung quanh vùng mỏ. Quá trình xay nghiền và vận chuyển đá chưa có biện pháp đảm bảo gây khói bụi ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, năng suất sản lượng của cây trồng và nghĩa trang của nhân dân. Cách ranh giới của mỏ khoảng 310m về phía Tây Bắc có 04 công trình nhà dân và công trình phụ có biểu hiện nứt rạn chân chim ở tường, rạn chân móng, nước thấm trên mái bê tông... Cách ranh giới của mỏ khoảng 150m về phía Tây Nam xảy ra việc đá văng đến đất sản xuất của người dân và đã thực hiện bồi thường thiệt hại. Tại khu vực chế biến của mỏ có lắp đặt 01 dây chuyền nghiền sàng đá, xác định tại vị trí các điểm phát tán bụi (hệ thống sàng, đầu băng tải) có lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi; Công ty đang sửa chữa kẹp hàm, không vận hành sản xuất nên không xác định được mức độ phát tán bụi khi sản xuất; tại mỏ có biểu hiện của bụi đá bám trên cây cối.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thống nhất của Đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 368/STNMT-KS ngày 16/3/2023 tạm dừng hoạt động khai thác đá vôi theo nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh để Công ty khắc phục tồn tại và hoàn thiện hồ sơ trong hoạt động khoáng sản; đồng thời, yêu cầu Công ty phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ mỏ theo quy định của pháp luật trong thời gian tạm dừng khai thác.