Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa XIX
Cử tri Xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn đề nghị:

Xem xét, bổ sung thêm danh mục hỗ trợ một số loại cây giống lâm nghiệp tại Nghị quyết số 03/2021/NQHĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 để phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương (như: Cây mỡ, cây bạch đàn...)

Tình trạng: Đã được trả lời, giải quyết xong

TRẢ LỜI:
Theo Báo cáo số 201/BC-UBND ngày 04/10/2024 của UBND tỉnh về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8

a) Ngày 16/7/2021 Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chính sách hỗ trợ của tỉnh là hỗ trợ những loài cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu, làm giàu rừng tự nhiên bằng các loài cây bản địa, đa tác dụng (cây mô, cây được sản xuất gieo ươm từ hạt nhập ngoại, cây ghép), những cây này đã được nghiên cứu, chọn tạo, đưa vào sản xuất ổn định, đại trà trên phạm vi rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng các yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững. Qua thực tế nhiều năm hỗ trợ (từ năm 2018 đến nay đã hỗ trợ được 12.455,87 ha) được đông đảo Nhân dân đánh giá cao, số lượng đăng ký hỗ trợ cây giống năm sau luôn cao hơn năm trước. b) Về đề nghị xem xét, bổ sung thêm danh mục hỗ trợ một số loại cây giống lâm nghiệp tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, để phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương (như: Cây mỡ, cây bạch đàn....). Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cây Mỡ, cây Bạch đàn và một số loài cây trồng lâm nghiệp khác tỷ lệ trồng rừng chỉ chiếm khoảng 5% diện tích trồng rừng sản xuất của tỉnh, còn lại được trồng bằng các loài cây Keo; mỗi loài cây trồng có các đặc điểm và đòi hỏi các điều kiện khác nhau như đất trồng Mỡ phải còn tính chất đất rừng tự nhiên, phải đạt điều kiện sâu trên 60cm, xốp, ẩm, không phù hợp trồng nơi đất xấu (như đất cỏ Tranh, đồi trọc…); Rừng trồng bằng cây Bạch đàn tuy có năng suất cao, nhưng có thể làm cho lớp đất mặt dưới tán rừng khô hơn rừng trồng loài cây khác, do có tán thưa và mỏng, lượng thảm thực vật rất ít, nên cây Bạch đàn không có khả năng bảo vệ và cải tạo đất. Từ những lý do nêu trên, cho thấy cây Mỡ, cây Bạch đàn… không phù hợp để đưa vào hỗ trợ.