Các công ty trong nước tạo điều kiện cho công dân trong độ tuổi được nghỉ làm trong thời gian về địa phương tham gia sơ tuyển, khám tuyển nghĩa vụ quân sự
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định người lao động được nghỉ làm việc về địa phương tham gia sơ tuyển, khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương khi đi sơ tuyển, khám tuyển nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Khoản 3, Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2012.
Về chế độ chính sách đối với công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 12 Nghị định 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra nghĩa vụ quân sự:
"1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
2. Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được đảm bảo các chế độ sau:
a) Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh;
b) Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật."
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa chỉ đạo các đơn vị có liên quan tuyên truyền, giải thích các quy định về khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo các quy định hiện hành để cử tri và nhân dân biết.