Tỉnh nghiên cứu có giải pháp trợ giá cho người nông dân trong thời điểm giá lợn hơi xuống thấp để bà con yên tâm sản xuất và chăn nuôi.
Trong thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi nhất là chăn nuôi lợn không theo quy hoạch, chưa có sự liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp ở các khâu tổ chức sản suất, chế biến, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ,..., thị trường tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, vì vậy khi thị trường biến động, giá bán xuống thấp đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi.
Ý kiến kiến nghị của cử tri xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa cũng là mong muốn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách, đồng thời do nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, cũng như ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước nên việc thực hiện trợ giá cho người nông dân trong thời điểm giá lợn hơi xuống thấp là chưa thể thực hiện được.
Những năm gần đây để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, cũng như các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi về tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tiêu thụ giới thiệu sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái, như:
- Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2020.
- Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vay vốn được hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm bể Biogas bằng vật liệu nhựa Composite.
- Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 21/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vay vốn được hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay để phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm bể Biogas bằng vật liệu nhựa Composite ban hành kèm theo Quyết định số 30/12/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 10/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết nội dung thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020.
Ngoài ra, hằng năm tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền công và vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; mua thuốc khử trùng thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; các Chương trình 135, Dự án TNSP, Dự án VIE/035 cũng đã góp phần hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Tuy nhiên, để nghề chăn nuôi lợn phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện ngành chăn nuôi lợn của tỉnh đang phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các giải pháp sau:
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về dự tính, dự báo giá cả thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi, từ đó lựa chọn vật nuôi cho phù hợp mang tính ổn định.
- Lựa chọn vật nuôi cần dựa trên cơ sở điều kiện thực tế của gia đình cũng như của địa phương, có phương án phát triển chăn nuôi với quy mô phù hợp, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Tăng cường liên kết trong sản xuất chăn nuôi thông qua các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và các hộ chăn nuôi với nhau để tạo thành chăn nuôi theo chuỗi từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra của sản phẩm, từ đó tạo điều kiện để liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ổn định và bền vững.
- Thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi có kiểm soát từ cung cấp đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sử dụng sản phẩm sẵn có của địa phương để phối trộn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, áp dụng đồng bộ triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm hạ giá thành đến mức thấp nhất trong chăn nuôi.