Có chính sách hỗ trợ và quan tâm đến vấn đề giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh đã tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm.
* Về đề nghị có chính sách hỗ trợ và quan tâm đến vấn đề giáo dục, đào tạo:
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh, như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Quyết định 53/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng theo các dự án, đề án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
* Về đề nghị giải quyết việc làm cho học sinh đã tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm:
Những năm qua, vấn đề giải quyết việc làm cho học sinh đã tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm luôn được tỉnh quan tâm; các giải pháp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm được chú trọng triển khai hiệu quả, số người học, lao động được đào tạo, tạo việc làm hằng năm tăng, tay nghề của người lao động từng bước được nâng cao; vị trí việc làm ổn định, thu nhập được nâng lên.
Công tác liên kết, mở rộng, hợp tác đào tạo nghề bước đầu đã tạo lập được mối quan hệ tương trợ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và người học. Kết quả giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh và đào tạo cho 48.004 người; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 459 người, trình độ trung cấp 2.859 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 44.686 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 75%. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 121.900 người, trong đó, lao động làm việc tại tỉnh 85.3000 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 2.000 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước trên 34.600 người.
Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động, như: Chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề để trang bị cho người lao động kiến thức trước khi tham gia thị trường lao động; chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động; chính sách hỗ trợ tín dụng cho người lao động phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ,... Bên cạnh đó, hằng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm và định hướng nghề nghiệp để thực hiện kết nối giữa người lao động với người sử dụng lao động trong giải quyết việc làm; kết nối giữa học sinh, sinh viên với các cơ sở giao dục nghề nghiệp để định hướng tư vấn nghề nghiệp và đăng ký tuyển sinh học nghề.
Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của nhà nước và của địa phương, đề nghị người lao động, học sinh, sinh viên có hướng lựa chọn các ngành nghề phù hợp cho bản thân để tham gia đăng ký tìm việc làm và đăng ký học nghề.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tạo cơ hội giúp người lao động tiếp cận các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm.