Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất, trước kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XIX
Cử tri Xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; Xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa; Xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên đề nghị:

Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cây chè, cây cam sành, cây bưởi, cây lâm nghiệp chất lượng cao...; có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến tại các khu vực có lợi thế lớn như huyện Hàm Yên, Yên Sơn.

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cây chè, cây cam sành, cây bưởi, cây lâm nghiệp chất lượng cao,...:

Ngày 16/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP (cụ thể: hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ về vật tư, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ sản xuất nông sản xuất khẩu,...) và chính sách xây dựng nông thôn mới (cụ thể: hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngõ, xóm; hỗ trợ xây dựng hầm bể Biogas hoặc bể tự hoại; hỗ trợ cải tạo vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; xây dựng thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”).

Ngày 01/9/2021, Liên ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Hướng dẫn số 1724/HDLN-NN-TC-KHĐT-CT-NHNN hướng dẫn chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP được quy định tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia để được hưởng chính sách đã được ban hành đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

* Về đề nghị có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân:

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân luôn được tỉnh quan tâm. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch, đề án về hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, như: Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025,...

Ngoài ra, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số hoạt động như: Tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông; duy trì hoạt động đăng tải thông tin về nông sản của tỉnh trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản Tuyên Quang trên các sàn thương mại điện tử; tư vấn, hỗ trợ, kết nối cho các đơn vị, hợp tác xã sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; triển khai hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP tại địa bàn thành phố Tuyên Quang; hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh,...

Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập tổ công tác kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản cho nông dân; kết nối các đơn vị tiêu thụ, chế biến nông sản tại các tỉnh lân cận và các thương lái; tìm kiếm nhà tiêu thụ lớn, các thị trường mới, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; đề xuất tổ chức Hội chợ OCOP để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản địa phương khi tình hình dịch ổn định, trở lại trạng thái bình thường; tổ chức phát động phong trào "Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang"; xây dựng nhãn hiệu, tem nhãn sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói để đưa hàng hóa nông sản vào các kênh phân phối tiêu thụ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối,...) và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm nông sản,...

- Chủ động làm việc với các đơn vị phân phối, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Sở Công Thương thành phố Hà Nội giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh với các Tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Vincom, GO, Lan Chi, Aeon,  Vinmart&Vinmart+, MM Mega Market, Lotte, Co.opmart, Co.opFood, Fivimart và Citimart…; hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất về các điều kiện, tiêu chuẩn cung ứng sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

* Về đề nghị hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến tại các khu vực có lợi thế lớn như huyện Hàm Yên, Yên Sơn:

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực quảng bá, thu hút, mời gọi đầu tư vào tỉnh, đã có một số nhà đầu tư lớn tiến hành đầu tư, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Woodsland, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày Chung Jye Việt Nam,... Nhiều Tập đoàn lớn, Tổng công ty, tổ chức trong nước và nước ngoài đã khảo sát, nghiên cứu môi trường đầu tư tại tỉnh, như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn TH, Công ty DELTA, tổ chức JETRO và JICA. Việc thu hút được các doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh đã tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục mời gọi, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát địa điểm để nghiên cứu thực hiện các dự án tại tỉnh nói chung và tại huyện Hàm Yên, huyện Yên Sơn nói riêng để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.