Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Tân Thành, huyện Hàm Yên đề nghị:

Nghiên cứu có giải pháp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam cho nhân dân. Trong 3 năm trở lại đây việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên, cam Vinh rất chậm, giá thấp, thậm chí không tiêu thụ được, gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng.

TRẢ LỜI:

Năm 2020, tổng diện tích cam toàn tỉnh là 8.691ha, diện tích cho sản phẩm 6.880ha; sản lượng đạt khoảng 100 nghìn tấn; trong đó, cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 686,7ha, sản lượng khoảng 11.400 tấn; cam hữu cơ 30,2ha, sản lượng khoảng 70 tấn. Vùng trồng cam tập trung tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa 7.296 ha, sản lượng cam ước khoảng 85.800 tấn. Riêng xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, năm 2020, tổng diện tích cam 950,2 ha, sản lượng 9.970 tấn.

Trong những năm gần đây, diện tích sản xuất và sản lượng cam của các tỉnh miền núi phía Bắc tăng nhanh. Từ năm 2013-2019, diện tích cam tăng bình quân 17,6%/năm (5,6 nghìn ha/năm); sản lượng tăng bình quân 21,3%/năm (55,3 nghìn tấn/năm), đạt 488 nghìn tấn năm 2019 (chiếm 48% sản lượng cam của cả nước); một số tỉnh có diện tích cam lớn như: Hà Giang 8.513ha, sản lượng 80.000 tấn; Hòa Bình 5.750ha, sản lượng 160.000 tấn; Nghệ An 5.525ha, sản lượng 54.600 tấn,... Việc tiêu thụ cam của các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu là bán ăn tươi, tỷ lệ quả chế biến rất ít, chính vì thế dẫn đến cung vượt cầu, cam tiêu thụ chậm, giá bán thấp. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động tổ chức các lễ hội, du lịch hạn chế, lưu thông hàng hóa giảm sút đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cam. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi thiên tai tại các tỉnh miền Trung nên nhu cầu thu mua cam của các thương lái để cung ứng cho thị trường này bị giảm sút nhiều so với các năm trước.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên tích cực tìm các giải pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam cho nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn liên kết sản xuất cam gắn với tiêu thụ, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,... tỉnh đã tổ chức Hội chợ OCOP Tuyên Quang năm 2021 và công bố chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam, đồng thời thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao lưu tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cam. Đồng thời đưa sản phẩm cam Hàm Yên tham gia trưng bày, giới thiệu tại Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP tại Hà Nội và tại các hội chợ thương mại, hàng nông nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh,...

Để nâng cao giá trị, thương hiệu cam Hàm Yên, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên, các đơn vị liên quan tăng cường quảng bá cam Hàm Yên trên báo, đài của Trung ương, địa phương và trên mạng xã hội (Facebook), các hội chợ, chương trình giới thiệu sản phẩm; giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết để tiêu thụ cam; xây dựng dự án mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện xây dựng nhà máy chế biến cam tại huyện Hàm Yên; hướng dẫn nhân dân sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên để tăng giá bán, tăng thu nhập cho nhân dân.

- Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên hướng dẫn nhân dân:

+ Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc cam tập trung theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm tỷ lệ cam bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, bảo quản.

+ Giữ ổn định, không phát triển mở rộng diện tích cam, đặc biệt là diện tích cam sành. Thực hiện trồng lại những diện tích cam sành già cỗi, kém hiệu quả bằng giống cam chín sớm (Vinh, chanh), cam chín muộn (Valencia) để rải vụ thu hoạch.

+ Tăng diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ....) để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, tăng giá bán, tăng thu nhập cho nhân dân.

+ Đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; mời gọi, thu hút doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cam.

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các giải pháp tiêu thụ cam cho nhân dân; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/9/2021.