Tỉnh nghiên cứu, xem xét không giao chỉ tiêu trồng cây mía cho cơ sở.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến đòi hỏi cả vùng nguyên liệu phải ổn định đầu vào để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo hiệu quả. Do vậy, việc giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất để các địa phương chủ động thực hiện là hết sức cần thiết.
Trong những năm qua, việc giao chỉ tiêu trồng mía cho các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đều được căn cứ trên cơ sở rà soát diện tích, thống nhất giữa Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương với các xã, hộ trồng mía. Sản xuất mía nguyên liệu được Công ty ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ đến từng hộ. Do những khó khăn về tiêu thụ đường, việc chậm thanh toán tiền mía nguyên liệu, tiền vận chuyển, thù lao và giá thu mua mía giảm dẫn đến một bộ phận người trồng mía nói chung, xã Tam Đa nói riêng mất lòng tin vào tính ổn định từ việc trồng mía, muốn chuyển đổi sang cây trồng khác có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cây mía nguyên liệu đã được phát triển nhiều năm trên địa bàn tỉnh, nhân dân có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc mía, là cây trồng sản xuất hàng hóa theo chuỗi có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có tính ổn định trong nhiều năm. Thu nhập từ trồng mía nguyên liệu cao hơn trồng sắn, dong riềng; công lao động ít hơn so với trồng cây hàng năm (ngô, rau đậu).
Về phía Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, niên vụ 2020-2021, Công ty cam kết tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực chỉ đạo, điều hành để khắc phục khó khăn. Để người trồng mía yên tâm sản xuất, Công ty sẽ tiếp tục mua hết sản lượng mía của các hộ trồng mía theo đúng chính sách và hợp đồng đã ký đảm bảo ổn định và phát triển lâu dài; giữ giá thu mua mía không thấp hơn 800 đồng/kg tại ruộng, giữ ổn định vùng nguyên liệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để chia sẻ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh mía đường hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Tam Đa tiếp tục tuyên truyền đến cử tri cam kết của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương trong việc thanh toán tiền nợ niên vụ 2019-2020, các chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía của Công ty và của tỉnh để nhân dân hiểu và thực hiện sản xuất, đồng thời phối hợp với cán bộ nông vụ của Nhà máy đường Sơn Dương rà soát kỹ diện tích đất trồng mía, khả năng thực hiện của địa phương để đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương kế hoạch trồng mới, trồng lại, chăm sóc mía lưu gốc năm 2021 trên địa bàn xã.