Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương đề nghị:

Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát các loại hàng hóa trên thị trường; tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, giám sát các loại hàng hóa trên thị trường:

Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng,...; giao Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan, Đội Quản lý thị trường các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra; chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2020, kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2020. Theo đó, các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra 557 vụ; số vụ vi phạm xử lý là 281 vụ; tổng các khoản thu là 2.511,787 triệu đồng, trong đó: Số tiền đã nộp Ngân sách Nhà nước là 2.138,475 triệu đồng (tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính là 742,06 triệu đồng; tiền thu được từ bán hàng tịch thu là 1.396,415 triệu đồng); trị giá hàng hóa tịch thu chờ bán là 77,655 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu huỷ và buộc tiêu hủy là 295,657 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

* Về đề nghị tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn:

Công tác quản lý an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Luật An toàn thực phẩm; thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, phân cấp quản lý; kịp thời xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm được dư luận xã hội, người tiêu dùng quan tâm, phản ánh trên địa bàn; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong việc chỉ đạo, thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, giao các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vào các đợt trong năm (Tết nguyên đán, Tết trung thu, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,...).

Trong 10 tháng đầu năm 2020, tuyến tỉnh đã kiểm tra 89 cơ sở. Trong đó: Số cơ sở vi phạm là 02 cơ sở, phạt tiền là 14.500.000 đồng. Tuyến huyện đã kiểm tra 1.531 cơ sở, vi phạm 231 cơ sở.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, hàng quán; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.