Có cơ chế hỗ trợ cung ứng con giống có chất lượng, giá rẻ và bảo đảm tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không có đầu ra ổn định, bị thương lái ép giá, thiệt thòi cho người chăn nuôi.
* Về cơ chế chính sách hỗ trợ con giống:
Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nói chung và phát triển chăn nuôi nói riêng, đặc biệt hỗ trợ con giống trong chăn nuôi như: Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hoá đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về sửa đổi một số nội dung Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND, với nội dung hỗ trợ lãi suất mua trâu sinh sản, kết quả: đã giải ngân cho vay vốn 186.001 triệu đồng/3.738 hộ mua 7.917 con (cái sinh sản: 7.488 con, đực giống: 429 con); chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND, đã giải ngân hỗ trợ tín dụng 171.876 triệu đồng cho 499 trang trại, trong đó có 142 trang trại chăn nuôi.
Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 10/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết nội dung thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020. Cụ thể: Hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/trâu đực giống; 20 triệu đồng/bò đực giống; 5 triệu đồng/lợn đực giống; 50.000 đồng/con gà, vịt bố mẹ hậu bị; cuối năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định cấp bổ sung 01 tỷ đồng cho 05 huyện (Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương) để thực hiện. Hiện nay, các huyện đang tổ chức, hướng dẫn người chăn nuôi có nhu cầu mua con giống và lập hồ sơ hỗ trợ theo quy định.
* Về ổn định đầu ra cho chăn nuôi:
Để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa tại các huyện còn ít, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún là chủ yếu; sản phẩm chăn nuôi chưa đủ lớn nên khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình:
+ Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách hiện có của tỉnh, Trung ương để nhân dân biết và thực hiện; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về dự tính, dự báo giá cả thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi, từ đó lựa chọn, xây dựng phương án chăn nuôi phù hợp mang tính ổn định, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
+ Tích cực thực hiện theo chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi thông qua các tổ hợp tác, hợp tác, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất chăn nuôi xã từ cung ứng đầu vào đến đầu ra của sản phẩm; áp dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm dưới nhiều hình thức, thúc đẩy tìm kiếm thị trường, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.
+ Khuyến khích chăn nuôi tập trung, chủ động nguồn giống tại chỗ; chăn nuôi có kiểm soát, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP...; sử dụng sản phẩm sẵn có của địa phương để phối trộn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, áp dụng đồng bộ triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt chú trọng phòng chống dịch bệnh chủ động (Tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng,...) nhằm hạ giá thành đến mức thấp nhất trong chăn nuôi.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách hiện có; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo quy định, phù hợp với thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi trên địa bàn, đồng thời có cơ hội tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi theo hướng bền vững.