Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đề nghị:

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đề nghị có các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo và xem lại tiêu chí bình xét hộ nghèo, thời gian qua công tác bình xét hộ nghèo chưa thực sự công bằng.

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị có các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cụ thể hóa thành các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay (trong đó có xã Thổ Bình), Chính phủ ưu tiên thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia là: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 và Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 (trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững có 02 dự án lớn, đó là: Chương trình 30a và Chương trình 135 để tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nhằm giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo hiện hành cũng như các chính sách liên quan khác về hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách dân tộc, chính sách hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn, vùng tái định cư thủy điện, ổn định dân di cư tự do,... tiếp tục được duy trì và ưu tiên nguồn lực để triển khai, nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số,... từng bước vươn lên thoát nghèo, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, nhà ở, tiếp cận thông tin,...

Trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước; đồng thời tích cực thực hiện các chương trình, cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (bê tông hóa đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương,...), phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng, đặc biệt đối với khu vực nông thôn và vùng sản xuất hàng hóa. 

Tuy nhiên, hiện nay địa bàn huyện Lâm Bình nói chung và xã Thổ Bình nói riêng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với tình hình mới.

* Về đề nghị liên quan đến công tác bình xét hộ nghèo

Trước đây, việc xác định hộ nghèo ở Việt Nam được thực hiện theo phương pháp đo lường đơn chiều thông qua việc xác định, tính toán mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc đo lường nêu trên đã thể hiện nhiều bất cập như: Chưa xác định hoặc xác định chưa chính xác các khoản chi tiêu trong năm của hộ gia đình, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng đưa ra để xác định hộ nghèo đã không còn phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, bên cạnh đó việc xác định theo tiêu chí cũ bỏ sót đối tượng không nghèo về thu nhập nhưng lại thiếu hụt các khía cạnh khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin,... Do đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

 Đồng thời Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH. Theo đó, việc xác định hộ nghèo, cận nghèo sẽ dựa trên kết quả chấm điểm tài sản của hộ gia đình, đây là phương pháp ước lượng thu nhập dựa trên cơ sở đánh giá các nhóm đặc điểm của hộ gia đình, trong đó có xem xét giá trị sử dụng tài sản của hộ gia đình liên quan đến tạo thu nhập (không đánh giá giá trị, nguồn gốc của tài sản); việc quy định các chỉ tiêu, mức cho điểm để đánh giá tài sản, ước lượng mức thu nhập của hộ gia đình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dựa trên kết quả thống kê, khảo sát mức sống hộ gia đình của các vùng trên toàn quốc do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện. Theo quy trình rà soát hộ nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH không còn quy trình bình xét hộ nghèo giống như ở các giai đoạn trước; việc tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân chỉ nhằm đánh giá sự phù hợp của việc chấm điểm tài sản, đặc trưng thiếu hụt đa chiều với điều kiện thực tế của các hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp đặc thù, cá biệt mà bộ công cụ và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm chưa thể phản ánh đúng thực trạng của hộ gia đình, do đó, cần đến sự tham gia của cán bộ cơ sở (cấp xã, thôn,...) và đại diện các hộ gia đình trên địa bàn trong quá trình thống nhất kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm tại cơ sở.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo phù hợp hơn với thực tiễn của các địa phương.