Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Lang Quán, huyện Yên Sơn đề nghị:

Ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân trong sản xuất, chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, gây mất mùa; có giải pháp ổn định thị trường, giá cả sản phẩm chăn nuôi.

TRẢ LỜI:

- Về công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm:

Trong những năm qua công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi được tỉnh quan tâm thực hiện, hàng năm tỉnh đã thực hiện hỗ trợ vắc xin và tiền công tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, cụ thể: Hỗ trợ vắc xin và công tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê, lợn nái, lợn đực giống; bệnh dịch tả cho đàn lợn; các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ các loại vắc xin THT, Niucatson, dịch tả vịt,... Bên cạnh đó việc giám sát, phát hiện kịp thời, khống chế, dập tắt dịch bệnh tại chỗ không để lây lan được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, nên những năm gần đây đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, số lượng đàn vật nuôi năm sau đều tăng hơn năm trước.

- Công tác kiểm tra, hướng dẫn:

 Năm 2017, hệ thống thú y của tỉnh đã tổ chức 09 lớp tuyên truyền cho 360 hộ chăn nuôi về các quy định của nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi thú y; hệ thống khuyến nông đã tổ chức 2.008 lớp cho 100.713 người về hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi theo mùa vụ; hướng dẫn 156 cơ sở chăn nuôi xây dựng kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường; tổ chức 12 cuộc kiểm tra đối với 12 cơ sở về công tác chăn nuôi; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi các quy định về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

- Để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tổ chức thực hiện:

+ Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về dự báo giá cả thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Lựa chọn giống vật nuôi dựa trên cơ sở điều kiện thực tế của gia đình, có phương án phát triển chăn nuôi với quy mô phù hợp; thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP),... ; sử dụng sản phẩm sẵn có của địa phương để phối trộn thức ăn để hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi.

+ Thực hiện liên kết sản xuất thông qua Tổ hợp tác, Hợp tác xã để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, tạo điều kiện để liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi ổn định và bền vững.