Tỉnh quan tâm định hướng việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế đạt hiệu quả.
Để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp của tỉnh sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, bền vững và khả năng cạnh tranh cao, tăng thu nhập cho nông dân, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012-2020, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển biền vững giai đoạn 2015-2020,... Trong đó xác định tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa tập trung phát triển: Sản xuất rau quả hàng hóa tập trung (Làng Mòi, Cầu Cả, Đồng Vàng); sản xuất giống lúa, giống ngô (Làng Tạc, Khuôn Khoai); sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất lạc tập trung; phát triển chăn nuôi đại gia súc,...
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thực hiện trên địa bàn xã Yên Nguyên mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến thăm quan học tập, như: Mô hình trồng ớt xuất khẩu; Mô hình trồng lạc che phủ nilon; Mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; Mô hình nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông Lô tại thôn Hợp Long,… Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, nhiều mô hình liên kết sản xuất bị phá vỡ hợp đồng. Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện, một số hộ gia đình chưa tuân thủ các cam kết của Hợp đồng liên kết sản xuất, gây khó khăn và thiệt hại cho nhà đầu tư (như: không thực hiện theo đúng kỹ thuật đã hướng dẫn, tự ý bán sản phẩm ra ngoài khi thị trường có giá cao hơn, thu hoạch không đúng tiêu chuẩn, không tuân thủ lịch thu hoạch,…). Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Dự án Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn, trong đó xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa là một trong những xã được chọn tham gia Dự án. Đến hết tháng 8/2019, đã có 32 con nghé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, trọng lượng nghé sơ sinh đạt từ 37-42 kg/con, cao hơn so với nghé được sinh ra theo phương pháp truyền thống từ 10-15%, hiện đang được các địa phương nhân rộng trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tìm hiểu kỹ thuật tiến bộ mới, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương, cách thức tổ chức sản xuất, liên kết mang lại hiệu quả để hướng dẫn, phổ biến tới nhân dân trong tỉnh, trong đó có nhân dân xã Yên Nguyên; giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản có năng lực, có uy tín trong và ngoài tỉnh để liên kết với nhân dân sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
- Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Yên Nguyên:
+ Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân trong xã các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp.
+ Chủ động lựa chọn những diện tích đất sản xuất tập trung, xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt để giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết với nhân dân sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời cam kết thực hiện đúng các nội dung đã ký kết.
+ Hướng dẫn người chăn nuôi từng bước chuyển đổi, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) theo hướng an toàn sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.