Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Cử tri Xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Xem xét có chính sách hỗ trợ nhân dân trên địa bàn xã trồng cây Tre Trinh và cây Chuối tây để phát triển kinh tế. Cử tri phản ánh, hiện nay 2 loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị hỗ trợ trồng cây Chuối tây

Để khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nhân dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Đối với hộ trồng chuối, phát triển theo kinh tế trang trại, được hưởng chính sách hỗ trợ áp dụng theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Nghị quyết đã chỉ rõ các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn; thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 01 lần (50% lãi suất tiền vay) với mức vay tối đa 500 triệu đồng/trang trại để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm kinh phí xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm (Mỗi trang trại được hỗ trợ 01 lần tối đa 4 triệu đồng/hội chợ trong tỉnh; tối đa 10 triệu đồng/hội chợ ngoài tỉnh trong 3 năm liền); hỗ trợ kinh phí tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm.

- Đối với các hộ gia đình trồng chuối liên kết lại với nhau để thành lập Hợp tác xã nông nghiệp được khuyến khích phát triển, hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, Hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay; hỗ trợ xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn trong nước tối đa là 100 triệu đồng/Hợp tác xã, theo tiêu chuẩn quốc tế tối đa là 600 triệu đồng/Hợp tác xã; hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Để tiếp cận với các chính sách hỗ trợ trên, đề nghị cử tri xã Tri Phú liên hệ với Ủy ban nhân dân xã Tri Phú hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa để được hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.099 ha chuối, chủ yếu là giống chuối tây, trong đó tại huyện Chiêm Hóa có khoảng 1.000 ha, riêng xã Tri Phú có 200 ha được trồng ở tất cả 15 thôn. Thực tế theo dõi cho thấy chuối tây ở Tuyên Quang chủ yếu bán quả tươi, chưa có cơ sở chế biến; đồng thời đầu ra của chuối tây không ổn định vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá cả lên xuống bấp bênh. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/6/2019, các lô hàng nông sản của Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có nhãn mác và thông tin rõ ràng. Đây là những thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra tại Tọa đàm Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc, được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/12/2018.

Do đó, để phát triển cây chuối tây bền vững, mang lại hiệu quả, tránh tình trạng ế thừa, đề nghị không mở rộng diện tích tràn lan mà nên tập trung vào những xã phù hợp với cây chuối, hình thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung, có khả năng thâm canh và áp dụng cơ giới vào sản xuất; cần chăm sóc đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng chuối; thực hiện xây dựng nhãn hiệu, có nhãn, mác truy xuất nguồn gốc để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu; thực hiện liên kết sản xuất chuối gắn với doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo giá ổn định.

* Về đề nghị hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây tre Trinh: Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn những loài cây có giá trị kinh tế cao để đề xuất đưa vào hỗ trợ trồng rừng sản xuất trong thời gian tới.