Trả lời bằng văn bản cho bà Ngô Thị Thu, thôn 5 Thái Thủy, xã Thái Sơn biết: Bà đi dân công hỏa tuyến theo trường từ năm 1979 đến hết năm 1980, sau đó đi xóa mù chữ ở vùng cao và hết năm 1983 bà trở về địa phương. Như vậy bà có thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp đối với người tham gia dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg không?
Năm 1979 bà Ngô Thị Thu là sinh viên Trường sư phạm 2 Tuyên Quang được nhà trường huy động tham gia mở đường phục vụ chiến đấu tại xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; thời gian 03 tháng; sau đó bà tham gia xóa mù chữ ở vùng cao đến năm 1983 bà trở về địa phương. Hồ sơ tham gia dân công hỏa tuyến của bà Ngô Thị Thu đã được Hội đồng chính sách xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên tiếp nhận, xét duyệt báo cáo Ban Chỉ đạo 24 huyện Hàm Yên tháng 8/2018; Ban Chỉ đạo 24 huyện Hàm Yên xét duyệt không đủ điều kiện xét hưởng theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với lý do sau:
Thực hiện Văn bản số 465/BQP-BCĐ ngày 26/4/2018 của Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng về việc giải đáp một số kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg. Tại mục 6 của Văn bản có nêu: "đề nghị bổ sung đối tượng là sinh viên đang học tập ở các nhà trường được huy động đi làm nhiệm vụ ở biên giới phía bắc trong những năm 1979, 1980 được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg"; trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án chính sách đối với dân công hỏa tuyến trình Bộ Chính trị, các bộ, ngành, địa phương đã đặt vấn đề nghiên cứu đối với đối tượng là học sinh, sinh viên được huy động phục vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (biên giới phía bắc). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, xem xét, việc huy động học sinh, sinh viên thực hiện nhiệm vụ xây dựng công sự, trận địa và một số nhiệm vụ khác phục vụ chiến đấu chủ yếu ở tuyến sau và trên cơ sở các phong trào tình nguyện; không phải đối tượng dân công hỏa tuyến. Do đó, chưa đặt vấn đề xem xét, bổ sung đối tượng là học sinh, sinh viên được áp dụng thực hiện chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg.