Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Xem xét, chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích rừng đặc dụng tại thôn Nà Khau, xã Hà Lang thành đất sản xuất. Hiện nay, mốc đất rừng đặc dụng đang nằm trong thôn, nhân dân không có đất để sản xuất.

TRẢ LỜI:

Ngày 14/02/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa, Ủy ban nhân dân xã Hà Lang làm việc với ông Đặng Văn Toán và bà Triệu Thị Dương (cử tri thôn Nà Khau, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa) về nội dung ý kiến, kiến nghị, gồm:

- Ý kiến của ông Đặng Văn Toán: "Xem xét, chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích rừng đặc dụng tại thôn Nà Khau, xã Hà Lang thành đất sản xuất. Hiện nay, mốc đất rừng đặc dụng đang nằm trong thôn, nhân dân không có đất để sản xuất”.

- Ý kiến của bà Triệu Thị Dương: "Đề nghị xem xét cho phép cải tạo rừng tái sinh tự nhiên chuyển sang trồng mới rừng trên đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân".

4.1. Về ý kiến "Xem xét, chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích rừng đặc dụng tại thôn Nà Khau, xã Hà Lang thành đất sản xuất. Hiện nay, mốc đất rừng đặc dụng đang nằm trong thôn, nhân dân không có đất để sản xuất”

- Về giao đất, giao rừng: Trong quá trình thực hiện giao rừng, giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân trong thôn Nà Khau, xã Hà Lang theo Chương trình Dự án RIDP năm 2008, qua kiểm tra, rà soát có 24 hộ gia đình, cá nhân cư trú trên địa bàn thôn Nà Khau, xã Hà Lang được giao đất lâm nghiệp với diện tích 21,14ha (rừng tái sinh tự nhiên trên đất chưa giao cho hộ gia đình, cá nhân, hiện nay vẫn do Ủy ban nhân dân xã Hà Lang quản lý). Trong đó hai hộ gia đình mà cử tri có ý kiến, kiến nghị đã được giao 1,53ha đất lâm nghiệp (Hộ gia đình ông Đặng Văn Toán được giao 0,72ha; hộ gia đình bà Triệu Thị Dương được giao 0,81ha). Diện tích đất rừng sản xuất còn lại đã được thôn thống nhất không giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng mà để làm khu rừng cộng đồng với mục đích bảo vệ nguồn nước sinh hoạt phục vụ đời sống cho toàn bộ nhân dân cư trú trong thôn, vì vậy đến nay còn lại 19 hộ gia đình trong thôn chưa được giao đất lâm nghiệp để sản xuất phát triển kinh tế.

- Về đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích rừng đặc dụng thành đất sản xuất: Qua kiểm tra, xác minh vị trí, diện tích cử tri đề nghị chuyển đổi từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất thuộc khoảnh 172B, với tổng diện tích 121,65ha (rừng tự nhiên 111,44ha; rừng trồng 9,89ha; đất có cây nông nghiệp 0,32ha), chức năng quy hoạch là đất rừng đặc dụng do Ủy ban nhân dân xã quản lý theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch phân 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) tỉnh Tuyên Quang.

- Về mốc đất rừng đặc dụng đang nằm trong thôn: Qua kiểm tra, có cột mốc CC5 đã được đóng tại giữa thôn Nà Khau, xã Hà Lang (cột mốc được đóng sát đường đi dân sinh, cách đường giao thông liên xã khoảng 50m; chung quanh là nhà ở của nhân dân trong thôn, có nhà văn hóa thôn và phân hiệu Trường Tiểu học sơ sở xã Hà Lang nằm trên đất rừng đặc dụng sát với cột mốc số CC5), đối chiếu với hồ sơ ranh giới và đóng mốc 3 loại rừng kèm theo Quyết định số 852/QĐ-CT ngày 11/6/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình xác định ranh giới và cắm mốc 3 loại rừng trên thực địa tỉnh Tuyên Quang thì mốc số CC5 đã được cắm đúng vị trí, ranh giới ở ngoài thực địa như hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại khoản 1, Điều 11 Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 quy định kỳ quy hoạch cấp quốc gia là 10 năm. Vì vậy, nội dung đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích rừng đặc dụng tại thôn Nà Khau, xã Hà Lang thành đất sản xuất sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp với hiện trạng thực tế và theo đúng quy định của Nhà nước và của tỉnh trong kỳ quy hoạch tiếp theo.

Vị trí mốc rừng đặc dụng số CC5 sẽ được thực hiện điều chỉnh sang vị trí mới cho hợp lý sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân 3 loại rừng đối với những diện tích đất rừng đặc dụng có hiện trạng thực tế là ruộng, vườn, nhà ở,... và các công trình phục vụ dân sinh (trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn thôn Nà Khau, xã Hà Lang nói riêng) theo đúng quy định của pháp luật trong kỳ quy hoạch tiếp theo.

4.2. Về ý kiến "Đề nghị xem xét cho phép cải tạo rừng tái sinh tự nhiên chuyển sang trồng mới rừng trên đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân"

Vị trí, diện tích cử tri đề nghị cải tạo rừng tái sinh tự nhiên để trồng mới rừng thuộc khoảnh 172A, trạng thái rừng tự nhiên, chức năng quy hoạch sản xuất, đất do hộ gia đình quản lý (rừng tái sinh tự nhiên trên đất hiện nay vẫn do Ủy ban nhân dân xã Hà Lang quản lý), tổng diện tích 7,25ha theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch phân 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) tỉnh Tuyên Quang. Trong năm 2018, các hộ gia đình được Ủy ban nhân dân xã Hà Lang chi trả tiền khoán bảo vệ rừng với số tiền là 400.000 đồng/ha theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Đối với diện tích rừng tự nhiên sản xuất hiện có phải thực hiện quản lý, bảo vệ nghiêm theo quy định tại khoản 1, Điều 48 Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 và theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, không thực hiện việc cải tạo rừng tự nhiên sang trồng mới rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Hà Lang:

- Tổ chức quản lý nghiêm diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã theo quy định tại: Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

- Triển khai thực hiện nghiêm trách nhiệm của chính quyền cơ sở theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 và quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 26/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.