Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa đề nghị:

Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành liên quan nâng mức hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho hộ nghèo; nâng mức vay, thời gian vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho nhân dân phát triển sản xuất (mức vay hiện nay thấp, thời gian vay ngắn).

TRẢ LỜI:

* Về xem xét, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan nâng mức hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho hộ nghèo:

Hiện nay theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) quy định mức vay của hộ nghèo vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở tối đa là 25 triệu đồng/hộ; lãi suất vay là 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm; trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

Như vậy, so với Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 1 (từ năm 2008 đến năm 2012), số tiền cho vay đã tăng thêm 17 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay tăng thêm 5 năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

* Về nâng mức vay, thời gian vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho nhân dân phát triển sản xuất (mức vay hiện nay thấp, thời gian vay ngắn):

- Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì: “ Tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của mình để quyết định mức cho vay”; “Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thoả thuận về thời hạn cho vay”.

+ Đối với việc huy động, cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa đến ngày 22/02/2017: Tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa là 488,6 tỷ đồng, trong đó vốn trung, dài hạn là 163 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 33,3%); tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa là 691,9 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống): 355,3 tỷ đồng (tỷ lệ 51,3%), cho vay trung, dài hạn (từ trên 12 tháng trở lên) là 336,6 tỷ đồng (tỷ lệ 48,7%); riêng xã Linh Phú, tổng dư nợ là 10,6 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống) là 5,9 tỷ đồng (tỷ lệ 55,7%), cho vay trung, dài hạn (từ trên 12 tháng trở lên) là 4,7 tỷ đồng (tỷ lệ 44,3%).

Như vậy, về tổng thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa là đơn vị thiếu vốn, nhất là vốn trung, dài hạn phải dựa vào cân đối của Ngân hàng cấp trên; vì vậy, kết quả đầu tư cho vay đạt được như trên cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa.

- Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:

+ Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang triển khai các Chương trình cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh như: Cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ; mức cho vay tối đa hiện nay là 50 triệu đồng/hộ; cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; mức cho vay tối đa hiện nay là 50 triệu đồng/hộ; cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; mức cho vay tối đa hiện nay là 50 triệu đồng/hộ; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ; cho vay đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Mức cho vay đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa 50 triệu đồng; đối với thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật: mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng; đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp: mức vốn cho vay tối đa là 500 triệu đồng); cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ giai đoạn 2015-2020 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 (Mức cho vay tối đa cho vay trồng rừng sản xuất 15 triệu đồng/ha; mức cho vay tối đa cho phát triển chăn nuôi 50 triệu đồng).

Về thời gian vay vốn: Thời gian vay vốn các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội phụ thuộc vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của ngân hàng và đa phần đều là dư nợ trung, dài hạn.

+ Đến 22/02/2017, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa là 387,8 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống): 1,9 tỷ đồng (tỷ lệ 0,5%), cho vay trung, dài hạn (từ trên 12 tháng trở lên) là 385,8 tỷ đồng (tỷ lệ 99,5%). Riêng xã Linh Phú tổng dư nợ là 13,6 tỷ đồng, trong đó 100% các khoản cho vay đều là cho vay trung, dài hạn.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức nhận ủy thác, các tổ liên kết, tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của ngành cho nhân dân; phối hợp tổ chức tốt các cơ chế, chính sách, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân.