Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Cử tri Phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đề nghị:

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu hướng dẫn xây dựng quy định thống nhất về chế độ ăn ca (mức ăn tối đa, tối thiểu) cho công nhân trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo quyền lợi của công nhân lao động. Cử tri phản ánh, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm việc theo ca đã bố trí bữa ăn ca cho công nhân lao động với mức từ 12 đến 30 nghìn đồng/1 bữa. Tuy nhiên, đây không phải là chế độ theo quy định mà do kết quả thương lượng giữa Công đoàn với người sử dụng lao động hoặc là chính sách riêng của từng doanh nghiệp nên có doanh nghiệp thì có ăn ca, có doanh nghiệp thì không; mức ăn ca cũng không đồng đều, có những doanh nghiệp thực hiện mức ăn ca rất thấp không đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức lao động cho công nhân.

TRẢ LỜI:

a) Đối với các Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01/9/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: "Công ty thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Việc thực hiện chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước". Chế độ ăn này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc:

(1). Ăn theo ngày thực tế làm việc, kể cả ngày làm thêm (đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn trong ngày do công ty lựa chọn nhưng tối đa không quá 08 giờ/ngày).

(2). Ngày không làm việc, kể cả ngày nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ phép, nghỉ không hưởng lương thì không ăn giữa ca và không được thanh toán tiền.
(3). Những ngày làm việc không đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn (dưới 50% số giờ tiêu chuẩn) thì không ăn giữa ca.
(4). Ngoài những nguyên tắc nêu trên, công ty có thể quy định thêm các nguyên tắc khác, nếu xét thấy có lợi cho việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
(5). Đối với những công ty sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn không thể đưa chi phí ăn giữa ca vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh thì công ty phải tìm mọi biện pháp giảm các chi phí khác để có nguồn tổ chức ăn giữa ca. Trường hợp công ty đã tìm mọi biện pháp để tiết kiệm các chi phí khác nhưng vẫn không đủ nguồn thì Giám đốc Công ty trao đổi, thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tạm thời chưa thực hiện chế độ ăn giữa ca theo quy định tại Thông tư này".

Như vậy đối với các Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động đã được quy định cụ thể.

b) Đối với các đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước

- Tại Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: " Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động".
- Tại điểm c2 khoản 5, Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: "...Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ Luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động".
- Tại khoản 5 Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động" quy định từ năm 2022, các cấp công đoàn đề xuất, đối thoại hoặc thương lượng với người sử dụng lao động về bữa ăn ca của người lao động với giá trị thấp nhất như sau: "... Địa bàn thuộc vùng III, vùng IV (theo vùng xác định lương tối thiểu) từ 18.000 đồng/suất trở lên. Đối với những doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn thì giá trị thấp nhất từ 22.000 đồng/suất trở lên".

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh nghiên cứu, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện thống nhất trên cơ sở quy định của pháp luật lao động và Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2023.