Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Tuyên Quang, huyện Địa phương đề nghị:

Có giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí qua việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới còn thấp.

TRẢ LỜI:

Thực hiện Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang triển khai kế hoạch cụ thể để các địa phương tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Việc lấy phiếu đánh giá được triển khai bằng hình thức lấy ý kiến đến từng hộ gia đình ở khu dân cư hoặc tại Hội nghị. Đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đánh giá sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới bình quân đạt từ 94-98%, như các xã: Khuôn Hà huyện Lâm Bình; Xuân Quang, Phúc Thịnh huyện Chiêm Hóa; Thái Bình, Phúc Ninh huyện Yên Sơn,... Bên cạnh đó, tại một số xã, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới còn chưa cao, người dân còn băn khoăn chủ yếu liên quan đến các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn như đường xã, đường huyện, đường giao thông nội đồng, bởi tâm tư, nguyện vọng của người dân khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì các chỉ tiêu trong tiêu chí về giao thông phải đạt cao hơn so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (các chỉ tiêu về giao thông đạt 100%).

Với điều kiện là một tỉnh miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh cũng đã cân đối, bố trí, lồng ghép từ các chương trình, dự án để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để Tiêu chí Giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt mức chuẩn so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Xác định việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí về hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ được triển khai đồng bộ, theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn, bám sát vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh và Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Từ đó tích cực đóng góp nguồn lực, trực tiếp tham gia các công việc cụ thể để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng địa phương, đơn vị tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, nêu cao vai trò, trách nhiệm; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hơn nữa để Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng cao; đời sống vật và chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.