Xem xét hỗ trợ cho các hộ dân chăn nuôi bị thiệt hại về dịch tả lợn châu Phi trong năm 2020.
Chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020. Thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt bổ sung kinh phí hỗ trợ thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020 (Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 29/3/2021) cho các huyện, thành phố (đợt 1), theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang được giao kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các hộ bị thiệt hại là 300 triệu đồng.
Số liệu về thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi từ 01/01/2020 đến 31/12/2020 trên địa bàn phường Ỷ La: Tổng số lợn tiêu hủy: 74 con; tổng khối lượng lợn tiêu hủy: 4.205 kg (lợn nái: 1.621 kg, lợn thịt 2584 kg); trên địa bàn xã Thái Long: Tổng số lợn tiêu hủy: 23 con (Lợn nái: 07 con, lợn thịt 16 con); tổng số lượng lợn tiêu hủy: 1.414 kg (lợn nái: 717 kg, lợn thịt 697 kg). Tính đến ngày 30/5/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang đã thực hiện chi trả trên địa bàn phường Ỷ La, xã Thái Long được 180.260.000 đồng/180.260.000 đồng nhu cầu hỗ trợ (số hộ được hỗ trợ 40/40 hộ bị thiệt hại năm 2020).
Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân về cách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đồng thời có giải pháp phát triển đàn ở những nơi không có dịch và những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Đề nghị nhân dân thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phát triển chăn nuôi, như: Kê khai hoạt động chăn nuôi đầy đủ theo quy định với Ủy ban nhân dân cấp xã; chăm sóc, nuôi dưỡng và theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến đàn gia súc, gia cầm; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định cho đàn gia súc, gia cầm; khi mua con giống về chăn nuôi phải rõ nguồn gốc, khỏe mạnh và đã tiêm phòng các loại vắc xin; đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn cho gia súc, gia cầm; phải có chuồng nuôi, gia súc, gia cầm; thường xuyên theo dõi sức khỏe gia súc, gia cầm, khi phát hiện có biểu hiện bất thường phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc nhân viên Thú y xã để có biện pháp xử lý kịp thời.