Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII
Cử tri Xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đề nghị:

Nâng cấp, cải tạo các trạm bơm đã hư hỏng trên địa bàn xã (trạm bơm Cây Mò, trạm bơm Ruộc).

TRẢ LỜI:

* Về đề nghị nâng cấp, cải tạo trạm bơm Cây Mò:

Trạm bơm Cây Mò được Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang (Chủ đầu tư) xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cấp cho Dự án Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Sau khi công trình thi công hoàn thành, Chủ đầu tư đã bàn giao cho Ủy ban nhân dân xã An Khang, sau đó Ủy ban nhân dân xã An Khang bàn giao cho Ban Quản lý công trình thủy lợi xã An Khang để quản lý, sử dụng từ ngày 21/9/2014, công trình thiết kế đảm bảo cung cấp nước tưới cho 35ha lúa của 03 thôn Trường Thi A, B, C, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang.

Tại thời điểm kiểm tra công trình đã ngừng hoạt động do bể hút bị treo khoảng (3,0÷3,5)m so với mặt nước sông Lô. Từ khi đưa vào sử dụng, Ban Quản lý công trình thủy lợi xã An Khang rất ít vận hành máy bơm do mức tiêu thụ điện năng lớn, đơn vị chủ yếu điều tiết nguồn nước từ trạm bơm Cây Lát để phục vụ tưới vì mức tiêu thụ điện năng của trạm bơm Cây Lát thấp hơn. Mặt khác, quá trình vận hành máy bơm hoạt động không ổn định, thường xuyên gặp sự cố. Vì vậy, diện tích do công trình Cây Mò đảm nhận tưới được sử dụng nước từ trạm bơm Cây Lát, còn lại khoảng 3,0 ha diện tích đất trồng lúa của các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang chưa được cấp nước tưới, phụ thuộc vào nguồn nước mưa để canh tác.

Để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang:

+ Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp đối với khoảng 3,0ha diện tích đất trồng lúa chưa được cấp nước tưới nêu trên; đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý công trình thủy lợi xã An Khang tiếp tục điều tiết nguồn nước từ trạm bơm Cây Lát để phục vụ tưới cho một phần diện tích trạm bơm Cây Mò đảm nhận và bảo vệ đối với tài sản của trạm bơm Cây Mò theo đúng quy định.

+ Về lâu dài, xem xét phương án bố trí đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang đảm bảo an sinh, nếu thực sự cần thiết phải đầu tư sửa chữa, khắc phục trạm bơm Cây Mò để cấp nước tưới ổn định cho diện tích trồng lúa nêu trên, xây dựng phương án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang và các ngành liên quan sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cân đối, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư theo quy định.

* Về đề nghị nâng cấp, cải tạo trạm bơm Ruộc:

Trạm bơm Ruộc được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Đến năm 2017 do mực nước sông Lô hạ thấp, máy bơm chìm bị treo khoảng (2,0÷2,5)m, Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang đã thực hiện đầu tư xây dựng 01 trạm bơm nổi để bơm nước vào bể xả của trạm bơm cũ, đảm bảo phục vụ nước tưới cho nhân dân.

Tại thời điểm kiểm tra, công trình đang vận hành lấy nước phục vụ sản xuất theo lịch xả nước đợt 3 của hồ thủy điện Tuyên Quang. Tuy nhiên, do mực nước sông Lô tiếp tục xuống thấp nên ngoài các đợt xả nước phục vụ sản xuất của hồ thủy điện Tuyên Quang thì trõ bơm của trạm bơm nổi tiếp tục bị treo khoảng (0,5÷1,0)m so với mặt nước sông Lô, không vận hành được máy bơm, nhân dân phải khắc phục bằng cách bơm tát từ kênh tiêu để tưới dưỡng lúa; mặt khác, hàng năm bùn đất thường xuyên bồi lấp khu vực trõ bơm nên phải mất nhiều kinh phí tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy trước khi vận hành máy bơm.

Để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã An Khang yêu cầu Ban Quản lý công trình thủy lợi xã An Khang chủ động cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm và nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện duy tu, bảo dưỡng máy bơm, tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy trước khi vận hành máy bơm, chủ động theo dõi mực nước sông Lô và lịch xả nước phục vụ sản xuất của hồ thủy điện Tuyên Quang để bơm nước phục vụ sản xuất cho nhân dân; khi trõ bơm bị treo cần chủ động khắc phục bằng cách bơm tát từ kênh tiêu để tưới, hoặc sử dụng máy bơm di động để bơm chuyển tiếp nước vào bể hút, sau đó mới vận hành máy bơm chính để cấp nước phục vụ sản xuất.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang và các ngành liên quan nghiên cứu phương án và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện sửa chữa, nâng cấp trạm bơm Ruộc, đảm bảo hoạt động ổn định phục vụ sản xuất.