Quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho ngành giáo dục nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dạy và học trực tuyến đòi hỏi trang thiết bị đồng bộ và được nâng cấp.
Trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có những thời điểm các nhà trường tổ chức việc dạy học trực tuyến, nhằm đảm bảo các quy định về phòng chống dịch và kế hoạch năm học. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, có một số hạn chế, bất cập như sau: Tốc độ băng thông Internet của nhiều trường học, nhiều khu vực dân cư chưa đảm bảo, do vậy việc dạy và học trực tuyến bị trục trặc, gián đoạn; nhiều học sinh ở những khu vực có sóng 4G yếu, nên việc kết nối vào phòng học trực tuyến cũng bị hạn chế; một số học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa mua sắm được thiết bị học trực tuyến có tốc độ cao, hoặc không có thiết bị để học, vì thế làm cho việc học trực tuyến không đảm bảo về thời lượng, chất lượng; một bộ phận không nhỏ giáo viên, học sinh chưa thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến, làm kéo dài thời gian chuẩn bị học, sự tương tác trong học trực tuyến cũng bị hạn chế,...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời xây dựng và thực hiện các mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục phù hợp với xu thế phát triển chung về công nghệ thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 559/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tiến hành rà soát, thực hiện vận động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh.